Một số ấu trùng có thể gây ngộ độc cho người dùng. Vì thế cần hết sức lưu ý khi sử dụng.
Chất độc từ món ăn được săn lùng
Côn trùng là đặc sản của nhiều vùng, nhiều quốc gia như món nhện nhảy Campuchia, kẹo côn trùng Anh, nước sốt côn trùng Colombia, sâu Mopane châu Phi... Kể cả những nước phát triển hay đang phát triển, món ăn từ các loài động vật tưởng đáng sợ, kinh dị này lại ngày càng được ưa chuộng và săn lùng.
Không chỉ là món ăn độc lạ, món ăn từ côn trùng cũng được khuyến khích bởi ít béo, giàu đạm, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, với mỗi loài sẽ được chế biến và ăn theo một cách khác nhau để đảm bảo hương vị và an toàn sức khỏe. Nếu ăn sai cách, không những không hấp thu được dinh dưỡng mà còn có thể bị ngộ độc.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, xu hướng ăn côn trùng đang ngày càng gia tăng. Tuy vậy, không phải côn trùng, ấu trùng nào cũng ăn được và người ăn cần cẩn trọng.
Nhộng ve không phải là món ăn an toàn. (Ảnh: Ngôi sao).
Khả năng gây độc của ấu trùng ve
Các chuyên gia cho biết, bản thân ấu trùng ve không gây độc cho con người. Tuy vậy, do sống dưới đất, ấu trùng dễ nhiễm nấm độc. Bào tử nấm phát triển, giết chết ấu trùng khiến nhộng trở thành một ổ độc tố.
Ngoài ra, nhộng có thể gây dị ứng cho những người có cơ địa không thích hợp. Môi trường đất cũng tạo cơ hội cho kí sinh trùng bám vào nhộng. Việc ăn sống có thể khiến kí sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người do cơ thể chứa nhiều protit. Nhộng chết có thể sinh ra nhiều độc tố gây hại.
Triệu chứng
Nấm trong nhộng ve sầu có độc tính mạnh. Các độc tố này không bị phân huỷ dưới nhiệt độ cao, trong quá trình chế biến, nấu nướng, vì thế, người ăn dễ nhiễm độc. Sau khoảng 2 - 3 giờ, thậm chí 30 phút, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Người dị ứng nhẹ thường có biểu hiện mẩn ngứa, nổi mề đay hoặc ói mửa, đau bụng.
Một số loại côn trùng được xem như món ăn đặc sản. (Ảnh minh họa: Internet).
Trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân khó thở, co giật, nôn ra máu, ngộ độc thần kinh, hôn mê dẫn đến tử vong.
Một số phương pháp sơ cứu
Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn côn trùng cần nhanh chóng gọi cấp cứu, trong khi chờ đợi nên tiến hành sơ cứu. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, tìm cách giúp bệnh nhân nôn hết thức ăn trong bụng ra. Cho bệnh nhân uống đậu xanh nguyên vỏ giã nát hoặc uống nước orezol, hay pha 1 lít nước với 4 thìa đường,1/2 thìa muối… để hạn chế tác hại của độc tố.
Phòng ngừa
Cách nhận biết ấu trùng mang độc
Nhiều người sau khi đào được ấu trùng thường chỉ rửa qua rồi chế biến, không để ý hình dạng của chúng khiến người ăn dễ bị ngộ độc. Các ấu trùng nhiễm nấm thường có hình dạng khác thường, phần cuối phình ra, trên đầu xuất hiện 1 - 5 cọng, trông giống cây nấm.
Ấu trùng đã chết không còn chất dinh dưỡng, khả năng nhiễm nấm, ký sinh trùng gây độc cao… Do vậy, người dùng nên bỏ hết con chết.
Nhộng mua ngoài chợ, người bán có thể ngâm trong natri sunfit để nhộng bắt mắt hơn, thời gian bảo quản lâu hơn. Vì thế, người dân nên chú ý lựa chọn nhộng tươi, các đốt liên kết chặt chẽ.
Tuy nhiên, ăn côn trùng có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. (Ảnh minh họa: Internet).
Chế biến đúng cách
- Ấu trùng bắt về, rửa sạch, loại bỏ con chết, sau đó chế biến theo nhu cầu như xào, nướng… đảm bảo nhộng được nấu chín.
- Tuyệt đối không ăn sống.
- Ăn chậm rãi để xem phản ứng của cơ thể.
- Khi phát hiện các dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt... phải dừng ăn và gây nôn, đến cơ sở y tế nếu thấy các triệu chứng vẫn tiếp tục.
Lưu ý
- Không sử dụng ấu trùng chết, có hình dáng lạ, côn trùng không rõ nguồn gốc.
- Hiện nay, các chuyên gia chỉ xác nhận ấu trùng có thể chứa nhiều dinh dưỡng, các tính năng tăng cường sinh lực, dương khí của ấu trùng chưa được công nhận, do đó người dân không nên tin rồi sử dụng.
- Không nên lạm dụng ấu trùng làm thức ăn. Kết hợp thịt, cá, rau củ… để đảm bảo dinh dưỡng, an toàn cho cơ thể.