Những bệnh nhân tự kiểm soát HIV - ẩn số của giới y học

Dù không được điều trị bằng thuốc hay ghép tủy xương, những người này vẫn sống khỏe mạnh, tải lượng virus trong cơ thể thấp. Họ được gọi là "bệnh nhân ưu tú".

Cách đây gần 4 thập kỷ, HIV/AIDS xuất hiện và trở thành dịch bệnh đáng sợ, bí ẩn với các y sĩ Mỹ. Căn bệnh phá hủy hoàn toàn hệ thống miễn dịch của người trẻ tuổi, khỏe mạnh, khiến họ trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương.

Trước đây, nguồn gốc của virus HIV trở thành câu hỏi khó, thách thức với y học thế giới. Cho đến ngày nay, một số trường hợp nhiễm HIV vẫn là ẩn số với thế giới, bởi các nhà khoa học tìm kiếm câu trả lời cho những hiện tượng hiếm gặp này.

Những “bệnh nhân ưu tú”

Tháng 8, các nhà khoa học Mỹ ghi nhận trường hợp đầu tiên trên thế giới nhiễm HIV tự khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc hay cấy ghép tủy xương để điều trị. Bệnh nhân là Loreen Willenberg, 66 tuổi, ở California, Mỹ. Người phụ nữ này nhiễm virus HIV vào năm 1992.

Trường hợp này được báo cáo trên tạp chí Nature ngày 26/8. Theo New York Times, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tế bào máu của bệnh nhân theo phương pháp “chưa từng có”. Sau khi phân tích 1,5 tỷ tế bào, họ không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của virus HIV.

Trong cơ thể của bà Loreen, HIV dường như bị cô lập, khóa chặt trong phần gene đặc biệt và khiến chúng không thể sinh sản, gây bệnh. Phát hiện này cho thấy người bệnh có thể đã đạt được “phương pháp chữa trị chức năng” (functional cure). Điều đó có nghĩa là bệnh nhân tự hồi phục.

Nữ bệnh nhân là một trong số 64 người khác mà nhóm tác giả trên xếp vào thế hệ “những bệnh nhân ưu tú”. Họ đều có bộ gene HIV phong phú, nguyên vẹn, còn được gọi là các gene dự phòng, tích hợp trong tế bào.


Loreen Willenberg được xem là bệnh nhân đầu tiên trên thế giới tự khỏi HIV không cần điều trị. (Ảnh: NY Times).

Bằng cách nào đó, những người này đã loại bỏ các tế bào bị nhiễm virus và lựa chọn tế bào khỏe mạnh để sao chép. Kết quả, hệ miễn dịch của những bệnh nhân này hình thành cơ chế tự xử lý, tiêu diệt virus gây bệnh.

64 bệnh nhân trong nghiên cứu trên chưa phải toàn bộ trường hợp tự áp chế virus HIV được ghi nhận trên thế giới. Theo tạp chí Science, gần 0,5% người nhiễm HIV trên toàn cầu có cơ chế trên mà không cần sự trợ giúp của thuốc kháng virus (ARV). Những người này được gọi là bệnh nhân ưu tú”.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, định nghĩa những “bệnh nhân ưu tú” là người nhiễm HIV dù không điều trị, họ vẫn có tải lượng virus trong máu thấp đến mức trong nhiều trường hợp khó phát hiện. Tuy nhiên, ông Fauci đưa quan điểm số lượng bệnh nhân như vậy chỉ chiếm khoảng 0,2-0,4%.

Trước khi có các loại thuốc kháng virus, một người đàn ông 57 tuổi, sống tại Mỹ đã mất vợ và nhiều người bạn khác vì bệnh HIV/AIDS. Ông từng cho rằng mình sẽ là người tiếp theo khi nhận trong tay tờ giấy ghi kết quả dương tính với HIV.

Ông quyết định bỏ việc, tiêu hết toàn bộ tiền lương hưu và chờ chết. Nhưng không có chuyện gì xảy ra. 16 năm trôi qua kể từ ngày nhiễm bệnh, ông không hề dùng bất kỳ thuốc điều trị nào nhưng không bị chuyển sang giai đoạn cuối của bệnh - AIDS.

Dù vậy, theo New York Times, sở hữu vận may hiếm người có được, bệnh nhân vẫn thấy cô độc. “Tôi không được xếp vào nhóm âm tính với HIV, bởi bản chất là vậy. Tôi vẫn có thể lây nhiễm cho ai đó. Nhưng tôi cũng chẳng phải thuộc nhóm người cần quan tâm, điều trị vì họ phải lo lắng thuốc men còn tôi thì không”, người đàn ông này bộc bạch.

Mỗi tháng một lần, bệnh nhân tới phòng thí nghiệm của giáo sư Jay Levy (Đại học California, Mỹ), phục vụ nghiên cứu. Kể từ khi nam bệnh nhân mắc HIV vào năm 1981, vị giáo sư vẫn luôn tìm hiểu về cơ chế nhiễm bệnh của người đàn ông này.

Thông thường, sau 10 năm nhiễm HIV, bệnh nhân sẽ bị AIDS nếu không được điều trị. Theo giáo sư Levy, nếu tìm kiếm được câu trả lời, rất có thể, đây sẽ là chìa khóa tiến tới vaccine ngừa bệnh.


Rod Fichter phát hiện nhiễm virus HIV vào năm 1986. Tuy nhiên, ông có thể tự kiểm soát bệnh mà không cần dùng thuốc. Trường hợp này được giới thiệu trong phim tài liệu Countdown to Zero của HBO VICE. (Ảnh: HBO VICE).

Manh mối

Một số bệnh nhân trong dự án nghiên cứu của Levy đã sống chung với HIV trong 27 năm mà không cần điều trị. Trong đó, một bệnh nhân lây nhiễm HIV vào năm 1978. Thời điểm này, Sở Y tế Công cộng San Francisco bắt đầu nghiên cứu về viêm gan B trên 6.704 mẫu máu của những người đồng tính nam. Kết quả, họ phát hiện một trong số những người này mắc HIV nhưng tiến triển bệnh chậm. Hàng chục người khác sống khỏe mạnh trên 20 năm mà không cần điều trị.

Năm 1986, giáo sư Levy phát hiện ra ở những người này, các tế bào bạch cầu có tên CD8 tiết ra lượng nhỏ yếu tố kháng virus. Nó giúp ngăn chặn quá trình virus HIV nhân lên trong tế bào. Tuy nhiên, CD8 không thể tiêu diệt HIV. Nhà nghiên cứu Stephen Migueles, Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cũng phát hiện điều tương tự và ông gọi đó là “manh mối quan trọng”.

Tại Đại học California, San Francisco (UCSF), một nhóm các nhà nghiên cứu khác điều tra vai trò của cơ chế kích hoạt miễn dịch và hiện tượng viêm trong sự tiến triển của HIV. Nhóm tác giả đặt giả thuyết dựa trên quan sát thấy khỉ mangabeys bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch simian (SIV) - mầm bệnh được cho là tổ tiên của HIV - có tải lượng virus cao nhưng khả năng hoạt hóa miễn dịch thấp.

Chúng không tiến triển thành bệnh và sống bình thường, khỏe mạnh tương tự động vật không nhiễm SIV. Nhà nghiên cứu Peter Hunt của UCSF giải thích bệnh nhân HIV tiến triển giai đoạn cuối do sự suy giảm nghiêm trọng của tế bào T CD4 và chuyển dần sang AIDS. Nhưng ở các “bệnh nhân ưu tú”, 60% tế bào T CD8 của họ được kích hoạt. “Điều này rất bất thường. Bởi ở người khỏe mạnh, chỉ 10% tế bào T CD8 được kích hoạt”.

Dù đặt ra nhiều giả thuyết, các nghiên cứu trên mới chỉ dừng lại ở bước phát hiện từng trường hợp. Cho đến nay, các “bệnh nhân ưu tú” vẫn là ẩn số với y học và thế giới.

Cập nhật: 08/12/2020 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video