Người mắc bệnh tin rằng toàn bộ người thân bị giả mạo, hoặc họ tự ăn những bộ phận cơ thể của mình, hay mỗi sớm tỉnh dậy với suy nghĩ rằng mình đã chết...
Những năm qua các nhà khoa học đã tạo nên bước đột phá trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần. Ngày càng nhiều chứng bệnh được biết đến như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phần liệt. Không may, vẫn còn nhiều rối loạn bị hiểu lầm, kỳ thị và chưa được nghiên cứu. Dưới đây là 4 căn bệnh tâm thần kỳ lạ nhất, khó hiểu nhất mà bạn có thể chưa bao giờ nghe đến, theo Medical Daily.
Hội chứng Capgras
Dấu hiệu của hội chứng Capgras là hoang tưởng người gần gũi như vợ/chồng, họ hàng, bạn thân, thậm chí vật nuôi đã bị tráo đổi bởi kẻ mang ngoại hình giống hệt. Hoang tưởng xảy ra trên một hoặc nhiều đối tượng, kéo dài liên tục hay theo đợt.
Một nghiên cứu năm 1991 miêu tả người phụ nữ 74 tuổi với hội chứng Capgras như sau: "Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần không điển hình vì tin rằng chồng mình đã bị thay thế bởi người đàn ông khác. Bệnh nhân từ chối ngủ với kẻ giả mạo, khóa phòng ngủ vào ban đêm, hỏi xin con trai một khẩu súng và đánh nhau với cảnh sát khi được yêu cầu vào viện. Bệnh nhân dễ dàng nhận ra các thành viên khác trong gia đình trừ người chồng".
Hội chứng Capgras khiến bệnh nhân nghĩ rằng người thân của mình bị giả mạo. (Ảnh: middaydaily.com).
Đến nay các nhà nghiên cứu chưa thể tìm ra nguồn gốc của hội chứng Capgras. Vài ý kiến cho rằng quá trình nhận diện đơn giản trong não bị hỏng do hậu quả của đột quỵ, dùng thuốc quá liều hoặc các yếu tố bên ngoài khác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định vấn đề không nằm ở việc nhận diện khuôn mặt mà xuất phát từ những cảm xúc trong tiềm thức.
Hội chứng Capgras có thể đi kèm với các chứng bệnh tâm thần khác, phổ biến nhất là tâm thần phân liệt và thường xuất hiện ở bệnh nhân bị thoái hóa thần kinh.
Tự thực
So với chứng bệnh ăn thịt người, tự thực còn đáng sợ hơn vì bệnh nhân tự ăn chính họ. Không được phân loại cụ thể trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Các chứng Rối loạn Tâm thần của Viện Tâm thần Mỹ, tự thực được xem là vấn đề về kiểm soát xung động do không thể kìm hãm hành động gây hại cho bản thân hoặc người khác.
Một trường hợp tự thực là người đàn ông 66 tuổi nhập viện với lý do mất ngủ rồi dần dần tự hành hạ bản thân. "Bệnh nhân ăn ngón tay của mình suốt 6 năm", báo cáo của bác sĩ ghi lại. "Hành vi bắt đầu từ việc cắn móng tay rồi chuyển sang cắn ngón tay, khiến cho ngón tay ở hai bàn đều bị mất đốt". Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm.
Không phải ca tự thực nào cũng giống nhau. Đôi khi rối loạn này cảnh báo vấn đề khác, ví dụ như hội chứng di truyền Lesch-Nyhan. Một nghiên cứu phát hiện 5 bệnh nhân bị tự thực sau khi gặp chấn thương cột sống. Những người này đều "thông minh, sẵn sàng thảo luận về vấn đề của họ và có thể tự xác định mức độ stress hoặc cô lập trong đời sống" một cách khó hiểu.
Các nhà khoa học không thể tìm ra mối liên hệ giữa tổn thương và chứng tự thực. Điều trị cho người bệnh bằng thuốc, tư vấn, liệu pháp hành vi chỉ mang về kết quả khiêm tốn.
Hội chứng Cotard
Còn được gọi là hội chứng xác chết biết đi, hội chứng Cotard là tình trạng hiếm gặp khiến người bệnh cho là mình đã chết hoặc mất nội tạng.
"Tôi như thể bước vào diệt vong hay địa ngục", Esme Weijun Wang kể về trải nghiệm khi mắc hội chứng Cotard. "Tôi cố nghĩ xem mình đã làm sai điều gì để bị trừng phạt, bắt phải sống lại cuộc sống này dù đã chết. Thế nhưng đó không phải sự thật".
Giới khoa học đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân của hội chứng Cotard, trong đó có dùng thuốc quá liều. Vài trường hợp đã khỏi bệnh nhờ kết hợp dược phẩm và liệu pháp sốc điện.
Rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể
Triệu chứng nổi bật của rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID) là niềm tin bản thân đáng bị tật nguyền. Một người đang khỏe mạnh có mong muốn cắt cụt chân tay bởi cảm thấy mình không nên có bộ phận ấy.
Gần đây, người phụ nữ tên Jewel Shuping (Mỹ) đã tự làm mù mắt do mắc BIID. "Tôi không nghĩ tôi bị điên. Tôi mắc bệnh", Shuping giải thích. "BIID khiến bạn cảm thấy mình cần bị khuyết tật. Trong trường hợp của tôi, đó là khao khát muốn mù mắt".
Shuping đề nghị bác sĩ nhỏ thuốc thông cống vào mắt mình vì khao khát muốn bị mù. (Ảnh: Mirror).
Các chuyên gia cho rằng BIID khiến hình ảnh bản thân trong đầu người bệnh không phù hợp với cơ thể thực sự. Hiểu biết và tôn trọng là bước trị liệu đầu tiên. Đôi khi, đội ngũ y tế đồng ý đoạn chi theo yêu cầu bệnh nhân nhưng gây tranh cãi dữ dội. Năm 2000, một bác sĩ phẫu thuật Scotland bị cộng đồng phản đối mạnh mẽ vì cắt bỏ 2 chân của người mắc BIID.
Giống như các chứng bệnh ở trên, các bác sĩ chưa thể chắc chắn điều gì gây ra BIID và tại sao nó lại biến đổi tùy từng trường hợp.