Những hang động màu xanh ngọc bích khiến bạn "mát lạnh"

Những khối băng trong suốt lấp lánh, đàn đom đóm xanh dương... đã tạo cho các hang động dưới đây vẻ đẹp mê mẩn lòng người...

Thiên nhiên luôn tiềm ẩn những vẻ đẹp hoàn mỹ đến khó tin. Với sự phong hóa liên tục hàng nghìn năm của gió, nước, mưa… các hang động màu xanh ngọc bích dưới đây mang vẻ đẹp khiến bạn cảm thấy "mát lạnh" ngay khi xem ảnh.

1. Hang động đá cẩm thạch xanh Blue Marble thuộc Chile và Argentina

Đây là hang động với vẻ đẹp khác thường được tạo nên bởi các sắc độ khác nhau của màu xanh trông rất mát mắt. Hang Blue Marble thuộc hồ General Carrera nằm giữa 2 nước Chile và Argentina.

Nguồn nước của hồ General Carrera là từ các dòng sông băng tan chảy trên dãy núi Andes đổ xuống. Các dòng nước này chứa rất nhiều các hạt băng nhỏ vẫn còn lơ lửng trong nước, các hạt này khúc xạ ánh sáng màu xanh lam trong ánh sáng Mặt trời, tạo hiệu ứng khiến nước ở nơi đây có một màu xanh rất đặc trưng.

Hang động được cấu tạo từ một khối đá cẩm thạch nguyên khối khổng lồ, ước tính nặng đến 5 tỷ tấn. Đá cẩm thạch bị hòa tan chậm trong nước, ở mặt nước lại được hòa tan nhanh hơn.

Sự phản chiếu của ánh sáng màu xanh ngọc lên tường, trần của hang động khiến tất cả chìm trong màu xanh êm dịu, đầy lôi cuốn.

Quá trình tạo hang động diễn ra hàng ngàn năm, nước thấm vào khe nứt, mở rộng ra rồi cuốn vật liệu hòa tan đi. Tất cả tạo nên vô số hang động con, hình thành các cột, đường hầm, mặt đá có đường vân uốn cong, biến phần dưới của tảng đá cẩm thạch khổng lồ thành một mê cung tuyệt đẹp.

2. Hang động Crystal, Iceland

Hang động băng là những hang động “tạm thời” xuất hiện ở những dòng sông băng. Thuộc dòng sông băng Svinafellsjokull, Iceland, hang động Crystal là kết quả của quá trình thâm nhập nước mưa trên bề mặt dòng sông băng vào các kẽ nứt và mở đường để các dòng chảy đổ vào.

Các hạt trầm tích trong nước cùng với những hạt vật chất do gió đưa vào hang lắng đọng và đông cứng lại tạo nên mặt sàn. Cấu tạo đặc biệt của các tảng băng phía trên hấp thụ hầu hết các màu ánh sáng, trừ màu xanh, điều đó làm cho hang động có một màu xanh ngọc đầy quyến rũ.

Tuy vậy, hang động di chuyển thường xuyên cùng với dòng chảy của sông băng và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Thời điểm an toàn nhất để du khách có cơ hội thưởng ngoạn “thủy cung” là mùa đông, khi mà nhiệt độ hạ xuống rất thấp, đảm bảo sự chắc chắn trần cũng như nền hang động.

3. Hang động đom đóm, New Zealand

Không giống như những hang động khác, Waitomo Glowworm hấp dẫn du khách nhờ số lượng lớn đom đóm sống tại đây. Những con đom đóm có tên khoa học Arachnocampa luminosa khi phát quang sẽ tạo ra ánh sáng màu xanh lá cây pha lẫn xanh dương đặc biệt, chỉ có ở New Zealand.

Sở dĩ ấu trùng đom đóm phát sáng là để thu hút sự chú ý của con mồi, những động vật nhỏ xấu số bay đến là bị biến thành bữa ăn ngay tức khắc. Ánh sáng thực chất phát ra từ chất thải của ấu trùng, được “hô biến” qua chuỗi phản ứng hóa học phức tạp liên quan đến các chất luciferase, enzyme adenosine triphosphate… trong ống tiêu hóa.

Khi ấu trùng trở thành nhộng vào giai đoạn cuối, chúng sẽ treo mình xuống từ trần hang động, tạo thành những chuỗi trông giống những dây điện trang trí. Lúc này, chúng sẽ phát sáng liên tục. Nhằm thu hút bạn tình, những con đom đóm cái sẽ càng rực rỡ hơn cả.

Sự kết hợp đầy ngẫu hứng giữa vẻ đẹp kì vĩ của hang động đá vôi tự nhiên và loài đom đóm đặc hữu đã tạo ra một tuyệt phẩm mang một sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách trên khắp thế giới. Ngồi trên chiếc thuyền du ngoạn trong hang động giữa một khoảng không gian lấp lánh đầy “sao” khiến ta thích thú với cảm giác như đang “du lịch vũ trụ”.

Theo Trithuctre
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video