Những hình ảnh trong buổi livestream đầu tiên từ sao Hỏa

Buổi livestream bằng tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu hôm 2/6 mang lại những hình ảnh gần với trực tiếp nhất từ sao Hỏa.

Trong buổi livestream bắt đầu lúc 23h ngày 2/6 (giờ Hà Nội) và kéo dài một tiếng, những hình ảnh mới được chụp cứ sau khoảng vài chục giây. Thời gian để tín hiệu truyền từ sao Hỏa đến Trái đất, xét theo vị trí hiện tại của hai hành tinh, là khoảng 16 phút 44 giây. Sau đó, hình ảnh được truyền qua các dây dẫn và máy chủ trên mặt đất.

Buổi livestream cung cấp hình ảnh đầu tiên lúc khoảng 11h06, cho thấy một góc nhỏ sao Hỏa mà tàu Mars Express chụp lúc 22h48. Với mỗi hình ảnh, sao Hỏa di chuyển dần trên màn hình từ góc trên bên phải xuống góc dưới bên trái theo sự di chuyển của Mars Express - tàu vũ trụ bay quanh sao Hỏa. Trong hình ảnh cuối cùng của buổi livestream, chụp lúc 23h42, sao Hỏa gần như biến mất khỏi tầm quan sát của con tàu.

Sự kiện livestream nhằm kỷ niệm 20 năm ngày phóng tàu Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Tên lửa Soyuz-FG/Fregat đã đưa con tàu cùng trạm đổ bộ Beagle 2 cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, ngày 2/6/2003. Tàu có nhiệm vụ chụp ảnh 3D bề mặt sao Hỏa, giúp các chuyên gia quan sát hành tinh này chi tiết hơn.


Những hình ảnh do tàu Mars Express chụp được công bố trong buổi livestream đầu tiên từ sao Hỏa. (Video: ESA)

Mars Express và Beagle 2 đến quỹ đạo sao Hỏa vào ngày Giáng sinh năm 2003. Trong ngày hôm đó, Beagle 2 cũng đáp xuống sao Hỏa nhưng không thể truyền tín hiệu về, nhiều khả năng do các tầm pin mặt trời không được triển khai đúng cách và chặn ăng-ten liên lạc. Mars Express vẫn hoạt động theo kế hoạch, nghiên cứu chi tiết hành tinh đỏ với 7 dụng cụ khoa học khác nhau.

Buổi livestream hiển thị các hình ảnh do Camera Giám sát Hình ảnh (VMC) của Mars Express chụp lại. VMC ban đầu được thiết kế để theo dõi quá trình tách Beagle 2. Sau khi hoàn thành công việc này, nó đã bị tắt. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã bật lại VMC vào năm 2007 để chụp ảnh.

"Chúng tôi đã phát triển những phương pháp vận hành và xử lý hình ảnh mới, phức tạp hơn, để thu được kết quả tốt hơn từ camera, biến nó thành dụng cụ khoa học thứ 8 của Mars Express", Jorge Hernández Bernal, thành viên nhóm phụ trách VMC, cho biết.

Nhóm vận hành Mars Express đã dành vài tháng qua để chuẩn bị cho buổi livestream, trong đó có việc phát triển các công cụ cần thiết để đưa ảnh từ VMC lên mạng Internet nhanh nhất có thể.

"Thông thường, chúng tôi xem những hình ảnh từ sao Hỏa và biết rằng chúng được chụp nhiều ngày trước. Giờ tôi rất hào hứng khi có thể quan sát sao Hỏa trực tiếp, hoặc gần với 'trực tiếp' nhất có thể", James Godfrey, quản lý vận hành của tàu Mars Express tại trung tâm điều khiển nhiệm vụ của NASA ở Darmstadt, Đức, chia sẻ trước buổi livestream.

Cập nhật: 03/06/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video