Những lầm tưởng về chân gà mà nhiều người mắc phải

Chân gà không chứa quá nhiều chất dinh dưỡng và cũng ít mang lại nguy cơ độc hại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lựa chọn kỹ và cân nhắc về số lượng ăn.

Song song với nhu cầu tiêu thụ lớn, chân gà vẫn gây ra nhiều tranh cãi về những tác động của chúng tới sức khỏe người ăn. Nhiều người ngần ngại và cho rằng ăn chân gà có thể là tác nhân gây run tay hay một số bệnh nguy hiểm.

Một vị thuốc trong y học cổ truyền

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho hay trong chân gà không có quá nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, chúng cũng mang tới một số lợi ích cho người ăn.

“Trong y học cổ truyền, phần da vàng của chân gà được bóc ra, phơi khô, xao và được sử dụng ở một số bài thuốc chữa bệnh. Với người khỏe mạnh, chân gà cũng giúp bổ sung chút khoáng chất cho cơ thể”, ông nói.

Liên quan thông tin truyền miệng về chân gà, vị chuyên gia khẳng định việc sử dụng thực phẩm này không gây bệnh run chân tay, nhiễm độc hay ung thư,...

Đồng quan điểm, bác sĩ Cao Thị Thanh Hương, Trưởng phòng khám Đông y, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, cho hay chân gà có tác dụng bổ xương cốt. Quan điểm ăn chân gà làm run tay chân là không đúng vì tình trạng này có nguồn gốc từ hệ thần kinh, không liên quan tới chân gà.


Dù không có nhiều chất dinh dưỡng, chân gà cũng mang tới những lợi ích nhất định và không trực tiếp gây bệnh. (Ảnh minh họa: Delicious).

Dù vậy, người dân khi ăn chân gà cũng cần cân nhắc tới nguồn gốc xuất xứ cũng như số lượng nạp vừa đủ, tránh những tác hại xấu tới sức khỏe.

Rối loạn chuyển hóa vì chất béo ở chân gà

Theo PGS Thịnh, lớp da ở chân gà có hàm lượng chất béo nhất định, tùy thuộc kích thước của chân. Do đó, ăn quá nhiều chân gà trong thời gian dài có thể khiến gia tăng lượng mỡ máu ở nhóm vốn có nồng độ cholesterol cao.

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, Viện Dinh dưỡng lâm sàng, cho biết thêm: "Collagen là thành phần rất tốt cho các vấn đề xương khớp. Tuy nhiên, khi chúng ta ăn chân gà một lượng đủ để nhận được ảnh hưởng tích cực đó, nhiều khả năng cơ thể sẽ gặp phải các bệnh lý liên quan đến rối loạn mỡ máu".

Lượng collagen rất nhỏ từ phần gân trong chân gà không đủ để đáp ứng nhu cầu của xương khớp dù chúng ta ninh nhừ. Bởi vậy, bác sĩ Tường Vi khuyên mọi người nên bổ sung collagen bằng cách khác khi muốn cải thiện sức khỏe xương khớp.

Mặt khác, chất béo trong da cũng như chân gà là dạng chất béo no. Do đó, chúng mang lại tác động không tốt đối với cơ thể khi ăn quá nhiều.

Trên lý thuyết, một gram chất béo tương đương 9 calo, nhiều hơn tinh bột (4 calo) và đạm (4 calo). Yếu tố này trực tiếp dẫn đến vấn đề thừa cân, béo phì khi năng lượng nạp vào cao hơn tiêu hao.

Theo bác sĩ Tường Vi, bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, chân gà cũng gây lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi chúng được nhập khẩu từ nhiều nơi, không rõ ràng về xuất xứ. Thậm chí, nhiều lô chân gà được phát hiện mốc, ôi thiu. Do đó, người dân cần cảnh giác khi sử dụng loại thực phẩm này.

Lưu tâm về vệ sinh và cách chế biến

“Khác thịt, chân gà nếu muốn đưa ra thị trường cần được dồn thành số lượng lớn. Nếu quá trình bảo quản không đảm bảo, chúng rất dễ bị thối. Lúc này, các vi sinh vật sẽ sinh sôi, phát triển và tiết ra các độc tố”, PGS Thịnh nhấn mạnh.

Ở nhiệt độ cao, vi sinh vật có thể bị tiêu diệt hoàn toàn, song độc tố không biến mất. Ngoài ra, trong quá trình xử lý mùi, các nhà hàng, quán ăn còn có thể sử dụng hóa chất độc hại. Các hóa chất này dễ gây bệnh mãn tính và phá hủy gan, thận,...


Chân gà được nướng ở nhiệt độ cao có thể mang tới một số nguy cơ khi ăn nhiều. (Ảnh minh họa: Journalawesome).

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên tránh món chân gà nướng được bán nhiều tại các vỉa hè.

Nguyên nhân là người ăn khó nhận biết được mùi hôi thối bởi chân gà được nướng, rán ở nhiệt độ cao trở thành món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Mặt khác, quá trình thực phẩm được nướng chín cháy dễ phân hủy thành chất độc gây ung thư.

PGS Thịnh thông tin nhiều nghiên cứu cho thấy thịt nướng trên than ở nhiệt độ 500-600 độ C, mỡ nhỏ giọt xuống than hồng bốc cháy tạo ra các phân tử hydrocarbure thơm đa vòng (AHA) có thể gây ung thư.

“Trường hợp nướng thịt trong lò nướng ở nhiệt độ 80-100 độ C, chất creatin hay creatinin trong thực phẩm sẽ biến đổi thành amin thơm dị vòng. Chất này khi vào cơ thể sẽ đến gan và trở thành chất độc. Từ đây, chất độc đó xuống ruột, gây nguy cơ ung thư đại trực tràng”, ông giải thích.

Trong khi đó, ở nhiệt độ trên 200 độ C, nhiều loại AHA khác cũng có thể được hình thành do sự phân hủy các axit amin. Các AHA này bám ở những phần thịt bị cháy. Do vậy, việc ăn phần thịt cháy rất nguy hiểm.

Cập nhật: 30/04/2022 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video