Canxi, sắt, dầu cá... là những loại thuốc bổ thường được nhiều người dùng nhưng lại ít người biết cách dùng đúng để hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.
Con người ngày càng quan tâm tới sức khỏe hơn nhưng lại cũng bận rộn hơn nên việc chăm sóc sức khỏe cũng cần tiện lợi, nhanh chóng. Vì cuộc sống bận rộn nên nhiều người không có thời gian ăn uống đủ bữa, đủ chất nên lo sợ bản thân không đủ dinh dưỡng, vì vậy mà tìm tới các loại thuốc bổ khác nhau để bổ sung dưỡng chất.
Tuy nhiên uống thuốc bổ cũng không thể bừa bãi hay ăn một số thực phẩm lành mạnh cũng cần phải chú ý tới thời gian và sự kết hợp với nhau. Một số loại thuốc bổ, đồ ăn bổ dưỡng nếu ăn cùng lúc có thể gây ra tác dụng phụ.
Chuyên gia dinh dưỡng Chen Yichun, tốt nghiệp chương trình thạc sĩ Khoa Khoa học Dinh dưỡng của Đại học Công giáo Fu Jen, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ chỉ ra những loại thuốc bổ nào không nên dùng cùng lúc.
1. Canxi và sắt
Canxi và sắt đều là khoáng chất hóa trị 2, được hấp thụ qua cùng một kênh trong cơ thể. Nếu bổ sung canxi và sắt đồng thời sẽ cạnh tranh hấp thu với nhau, ảnh hưởng đến tốc độ hấp thu. Vì vậy, nên uống riêng viên canxi và viên bổ sung sắt.
2. Sắt và chất xơ
Chất xơ sẽ làm giảm tỷ lệ hấp thu sắt, vì vậy nên bổ sung sắt riêng biệt với thực phẩm giàu chất xơ. Tuy nhiên thực tế rất hiếm khi dùng cả hai loại chất này được bổ sung cùng nhau. Thực phẩm giàu chất xơ thường được khuyến nghị ăn trước bữa ăn, có thể làm tăng cảm giác no và làm chậm quá trình hấp thụ đường và chất béo trong chế độ ăn uống, chất bổ sung sắt thường được khuyên dùng trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn, vì ăn khi bụng đói dễ gây khó chịu đường tiêu hóa.
3. Dầu cá và chất xơ
Chất xơ sẽ hấp thụ dầu và giảm sự hấp thụ dầu trong ruột, vì vậy ăn hai loại này cùng nhau sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ hấp thụ dầu cá. Theo cách tương tự, nên tránh thực phẩm tốt cho sức khỏe gốc dầu (dầu hoa anh thảo, dầu rong biển, dầu cây rum) cùng với thực phẩm tốt cho sức khỏe dựa trên chất xơ (chitin, chitosan, vỏ hạt mã đề (psyllium)).
4. Canxi và dầu cá
Nên uống riêng hai loại thuốc bổ này sẽ cải thiện được tình trạng táo bón.
Canxi là khoáng chất hơi kiềm, ăn chung với dầu cá có thể tạo thành calcium stearate, calcium stearate rất cứng, ruột không hấp thu được (cũng dễ gây táo bón) nên thường bị bài tiết ra ngoài.
Mặc dù các chuyên gia hóa học có thể cho rằng canxi không phải chất kiềm mạnh và cơ thể con người không phải nhiệt độ cao đủ để tạo ra phản ứng hình thành calcium stearate. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Chen Yichun cho biết cô đã gặp không ít bệnh nhân bị táo bón dù ăn đủ chất xơ, uống nước và chất béo. Sau khi phát hiện ra họ uống canxi và đồng thời ăn dầu cá, chuyên gia Chen Yichun đã gợi ý họ ăn riêng hai loại thuốc bổ này và tình trạng táo bón đã được cải thiện. Hơn nữa, ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ ảnh hưởng đến hấp thu canxi, cho nên bất kể calcium stearate có hình thành hay không, nếu muốn cơ thể hấp thụ canxi tốt nhất, nên uống riêng canxi và dầu cá.
5. Sắt và axit oxalic, axit phytic, axit tannic
Các loại rau, ngũ cốc, đậu và các loại thực phẩm khác có chứa axit oxalic và axit phytic, trà và trái cây có chứa axit tannic, những thành phần này sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt. Vì vậy, nếu muốn bổ sung sắt, nên ăn tách biệt với trà, ca cao, cà phê, lựu, nho, quả mọng, nam việt quất… và chiết xuất của chúng.
6. Lutein và β-caroten
Cả hai đều là caroten và có đường hấp thụ tương tự nhau trong ruột nên việc bổ sung cùng nhau có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ hai chất dinh dưỡng này Tuy nhiên, trong nghiên cứu cho thấy chỉ khi bổ sung β-caroten liều cao (15mg) thì mới ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ lutein. Do đó, nếu đó là một lượng nhỏ β-caroten có trong chế độ ăn uống, hoặc chỉ một lượng nhỏ β-carotene được thêm vào công thức lutein, thì sự tác động sẽ không lớn. Tuy nhiên, nếu β-caroten trên 15mg thì nên ăn riêng với lutein.