Những lợi ích của kẽm đối với cơ thể

Kẽm nổi tiếng với tác dụng tích cực đối với hệ miễn dịch. Chưa hết, sự thiếu hụt nó có thể dẫn đến huyết áp thấp, tăng trưởng xương chậm, chán ăn, mất khứu giác và vị giác, trầm cảm...

>>> Kẽm giúp trẻ mắc bệnh nhiễm trùng hồi phục nhanh

Rõ ràng, cơ thể bạn cần kẽm, và có rất nhiều lợi ích của kẽm ngoài việc giúp bạn tránh bệnh cúm.

1. Cải thiện sức khỏe não bộ

Kẽm là khoáng chất rất quan trọng cho sức khỏe não bộ. Kẽm cùng với vitamin B6 giúp chất dẫn truyền thần kinh trong bộ não của bạn hoạt động tốt hơn. Điều thú vị là vùng đồi hải mã - trung tâm bộ nhớ của não bộ, có chứa lượng kẽm rất cao. Rõ ràng, nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe não bộ, hãy cung cấp đủ kẽm cho cơ thể.

2. Xương khỏe mạnh

Mọi người đều biết canxi rất quan trọng cho xương chắc khỏe, nhưng bạn có biết rằng kẽm là cần thiết cho xương khỏe mạnh? Kẽm là một thành phần của xương, và không có kẽm cơ thể của bạn không thể xây dựng được khung xương chắc khoẻ. Để có được những lợi ích tốt nhất cho xương, bạn nên tiêu thụ kẽm và canxi vào thời gian khác nhau vì canxi và kẽm có sự hấp thụ cạnh tranh nhau.


Các thực phẩm giàu kẽm gồm con hàu, tôm cua, hạt bí đỏ, yến mạch, đậu Hà Lan, đậu tương, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc, thịt bò, thịt gà... (Ảnh: Health)

3. Tóc chắc khỏe

Một trong những dấu hiệu của sự thiếu hụt kẽm là rụng tóc. Khi cơ thể bạn không đủ kẽm, tóc có thể mỏng dần, dẫn đến gãy rụng. Ngược lại, khi bạn hấp thụ đầy đủ kẽm, tóc trở nên dày và bóng khỏe. Trong thực tế, kẽm rất hữu hiệu để kích thích mọc tóc, vì vậy các bác sĩ thường khuyên người bị rụng tóc nên bổ sung kẽm.

4. Tốt cho mắt

Một sự thật đáng ngạc nhiên về kẽm là rất tốt cho đôi mắt của bạn. Khi nói đến thị lực, kẽm hỗ trợ đưa vitamin A vào võng mạc. Nếu không có kẽm, mắt không nhận được đủ lượng vitamin A cần thiết, và kết quả gây suy giảm thị lực. Trong thực tế, thiếu kẽm đặc biệt liên quan đến thoái hóa điểm vàng ở người già.

5. Cơ bắp mạnh mẽ

Nếu muốn cơ bắp mạnh mẽ, hãy chắc chắn rằng bạn đang nhận được đủ lượng kẽm. Nguyên tố này được sử dụng để phục hồi cơ bắp sau khi tập luyện, do đó giúp bạn có thể xây dựng cơ bắp mạnh mẽ. Kẽm cũng hỗ trợ cơ bắp khi mệt mỏi, giúp bạn có thể làm việc theo đúng tiềm năng của mình.

6. Làn da khỏe mạnh

Đầu tiên, kẽm giúp loại bỏ mụn trứng cá vì nó điều chỉnh lượng dầu và làm giảm nhiễm khuẩn gây ra mụn. Ngoài ra, kẽm giúp sản xuất collagen và chất này mang lại cho bạn làn da dẻo dai, mịn màng.

7. Cân bằng nội tiết tố

Cân bằng nội tiết tố là rất quan trọng cho sức khỏe. Kẽm giúp cân bằng rất nhiều nội tiết tốt trong cơ thể. Ví dụ, kẽm cần thiết cho sản xuất insulin - rất quan trọng để điều tiết lượng đường trong máu. Kẽm cũng cần thiết cho kích thích tố sinh sản và kích thích tố tuyến giáp. Có đủ kẽm sẽ giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh bởi vì kích thích tố trong cơ thể bạn sẽ được cân bằng.

Phụ nữ cần 8mg kẽm mỗi ngày, và nam giới cần 11mg kẽm mỗi ngày. Kẽm được tìm thấy trong con hàu, thịt, hạt bí đỏ, yến mạch, đậu Hà Lan.

8. Điều hòa chức năng hệ miễn dịch

Theo Tạp chí Miễn dịch Sinh học Châu Âu, cơ thể con người cần kẽm để kích hoạt tế bào lympho T (tế bào T). Tế bào T bảo vệ cơ thể theo hai cách:

  • Kiểm soát và điều chỉnh các phản ứng miễn dịch
  • Tấn công các tế bào bị nhiễm bệnh hoặc ung thư

Thiếu kẽm có thể làm suy giảm nghiêm trọng chức năng hệ thống miễn dịch. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ thông tin: "Những người thiếu kẽm sẽ tăng nhạy cảm với nhiều loại mầm bệnh".

9. Điều trị tiêu chảy

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tiêu chảy giết chết 1,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm. Thuốc bổ sung kẽm có thể giúp giảm tình trạng tiêu chảy ở trẻ.

Một nghiên cứu của PLoS Medicine cho biết: "Một chiến dịch y tế công cộng trên toàn quốc nhằm tăng cường sử dụng kẽm cho bệnh tiêu chảy ở trẻ em đã xác nhận rằng, một liệu trình 10 viên kẽm có hiệu quả trong điều trị tiêu chảy và đồng thời giúp ngăn ngừa tái phát trong tương lai".

10. Điều trị cảm lạnh thông thường

Viên ngậm kẽm đã được chứng minh có thể rút ngắn thời gian của các đợt cảm lạnh thông thường lên đến 40%, trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Hô hấp mở.

Ngoài ra, một nguồn đánh giá của trang tin Cochrane đã kết luận rằng: "Sử dụng kẽm (viên ngậm hoặc xi-rô) giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh thông thường ở người khỏe mạnh, khi uống trong vòng 24 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng".


Lưu ý những thực phẩm có khả năng cung cấp chất dinh dưỡng thần kì này nhé!

11. Chữa lành vết thương

Kẽm đóng vai trò trong việc duy trì cấu trúc của da. Bệnh nhân gặp các vết thương hoặc loét mãn tính thường thiếu kẽm trong huyết thanh. Kẽm thường được sử dụng trong các loại kem bôi da để điều trị chứng hăm tã hoặc các loại kích ứng da khác.

Một nghiên cứu của Thụy Điển đã phân tích khả năng của kẽm trong chữa lành vết thương: "Kẽm bôi ngoài da có thể kích thích các tế bào, tăng cường tái biểu mô trên da, đồng thời giảm viêm và tăng trưởng vi khuẩn".

12. Ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD)

Kẽm ngăn ngừa tổn thương tế bào ở võng mạc, giúp trì hoãn sự tiến triển của AMD cũng như giảm thị lực, theo một nghiên cứu được công bố trên trang tin Archives of Ophthalmology.

13. Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính liên quan đến tuổi tác

Một nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Oregon đã phát hiện ra rằng, bổ sung kẽm thông qua chế độ ăn cũng như các thực phẩm chức năng sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm. Trong nhiều thập kỷ, người ta đã biết rằng kẽm có vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch. Thiếu hụt kẽm sẽ dẫn đến sự gia tăng tình trạng viêm, cũng như các quá trình viêm mới sẽ hình thành.

14. Tăng cường khả năng sinh sản

Một số nghiên cứu và thử nghiệm đã cho thấy tình trạng kẽm thấp liên quan tới chất lượng tinh trùng thấp. Ví dụ, một nghiên cứu ở Hà Lan cho thấy nam giới có số lượng tinh trùng cao hơn sau khi bổ sung kẽm sulfate và axit folic.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu kết luận rằng lượng kẽm kém có thể là một yếu tố nguy cơ đối với chất lượng thấp của tinh trùng và vô sinh ở nam. Đây là một trong nhiều tác dụng của kẽm với đàn ông.

Thực phẩm bổ sung kẽm

Thực phẩm chứa kẽm tốt nhất là đậu, thịt động vật, các loại hạt, cá và các loại hải sản khác, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa. Kẽm cũng được thêm vào một số ngũ cốc ăn sáng và thực phẩm chức năng khác.

Những người ăn chay sẽ cần nhiều hơn 50% so với lượng kẽm khuyến nghị, do kẽm trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật có hàm lượng thấp hơn.

Thực phẩm có hàm lượng kẽm cao nhất là:

  • Hàu sống (Thái Bình Dương): 14,1 miligam/3 ounce
  • Thịt bò: 7,0 miligam/3 ounce
  • Đậu nướng đóng hộp: 6,9 miligam/cốc
  • Cua hoàng đế Alaska: 6,5 miligam/3 ounce
  • Thịt bò nạc: 5,3 miligam/3 ounce
  • Tôm hùm: 3,4 miligam/3 ounce
  • Thịt lợn thăn: 2,9 miligam/3 ounce
  • Gạo nấu chín: 2,2 miligam/cốc
  • Đậu Hà Lan xanh: 1,2 miligam/cốc
  • Sữa chua: 1,3 miligam/8 ounce
  • Hồ đào: 1,3 miligam/1 ounce
  • Đậu phộng rang: 0,9 miligam/1 ounce

Thực phẩm bổ sung kẽm cũng có sẵn ở dạng viên nang và viên nén. Tuy nhiên, giới hạn trên cho phép của kẽm là 40 miligam đối với nam và nữ trên 18 tuổi.

Cập nhật: 18/12/2019 Theo Vnexpress/khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video