Những siêu thực phẩm thật sự

Gần đây, chúng ta được biết thêm rằng cà chua giúp ngăn da cháy nắng và hình thành nếp nhăn sớm, nho đỏ tăng cường trí nhớ trong khi cây đại hoàng thì tốt cho người bệnh thận. Thế nhưng, không phải tất cả siêu thực phẩm đều xứng đáng với vị trí “siêu cấp”. David Grotto, chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu tại Mỹ, đã liệt kê lợi ích sức khỏe của những siêu thực phẩm nên có trong bữa ăn hằng ngày.

Măng tây

- Sức khỏe tiêu hóa: Măng tây có chứa các thành phần tốt cho tiêu hóa, bao gồm inulin, một dạng tinh bột kích thích sự sinh sôi của vi khuẩn có lợi trong ruột già, và asparagine, hóa chất tự nhiên thúc đẩy chức năng bài tiết.

- Bệnh tiểu đường: Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y khoa Anh cho thấy chất chiết xuất từ măng tây làm tăng đáng kể hoạt tính của insulin, giúp loại bỏ lượng đường thừa trong máu, qua đó ngăn bệnh tiểu đường.

- Sức khỏe tim mạch: Một bữa ăn có măng tây cung cấp gần 60% nhu cầu folate hằng ngày. Folate là vitamin nhóm B, giúp hạ hàm lượng homocysteine trong máu, mà nếu ở mức cao có thể tăng nguy cơ bệnh tim.

Bông cải

- Ung thư: Hợp chất indole-3-carinol (I3C) trong bông cải có đặc tính chống ung thư. Các nhà khoa học phát hiện chất sulphoraphane trong loại cải này có khả năng ức chế tế bào ung thư phổi trong thử nghiệm ở động vật và tế bào ung thư tiền liệt tuyến ở người.

- Gàu: Bông cải là phương thuốc trị gàu hữu hiệu do có chứa chất biotin giúp kiểm soát gàu.

- Viêm khớp: Các nhà nghiên cứu sau 10 năm theo dõi chế độ ăn uống của một nhóm phụ nữ, nhận thấy người ăn nhiều rau họ cải có thể hạn chế viêm khớp mãn tính.

(Ảnh: alibaba.com)


Trứng

- Thị lực: Trứng có hàm lượng đạm chỉ thua mỗi sữa mẹ. Những hóa chất tự nhiên như lutein và zeaxanthin trong trứng giúp hạn chế 20% nguy cơ đục thủy tinh thể và giảm 40% nguy cơ thoái hóa điểm vàng ở mắt, thường gặp ở người trên 60 tuổi.

- Béo phì: Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Đại học Dinh dưỡng Mỹ, ăn một quả trứng vào bữa sáng giúp cơ thể giảm hấp thụ calorie cả ngày – cách hiệu quả để chống béo phì.

Quả sung

- Các rối loạn ở da: Một số nghiên cứu cho thấy quả sung có chứa một chất mà khi kết hợp với việc tiếp xúc ánh nắng, có lợi cho người mắc các bệnh về da và một số dạng u lympho.

- Tiểu đường: Do chứa hàm lượng chất xơ nhiều hơn bất kỳ loại trái cây nào nên quả sung có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường típ 2, nhờ làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu đường trong thực phẩm.

Ổi

- Tiểu đường: Nghiên cứu cho thấy chuột bị tiểu đường uống nước ổi ép 4 tuần liền giảm gần 25% lượng đường trong máu.

- Sức khỏe tim mạch: Ăn ổi làm giảm rõ rệt lượng cholesterol xấu, cải thiện cholesterol tốt và hạ huyết áp, giúp phòng ngừa bệnh tim.

- Kháng khuẩn: Lá ổi có đặc tính kháng khuẩn và được chứng minh có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại, như vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm salmonella.

Trái kiwi

- Bệnh tim: Các nhà khoa học Na Uy phát hiện trái kiwi có thể giúp hạn chế nguy cơ tắc nghẽn mạch máu bằng cách điều chỉnh lượng tiểu huyết cầu, một thành phần của tế bào máu, theo hướng bớt bám dính.

- Ung thư: Ăn kiwi mỗi ngày có thể bảo vệ ADN khỏi những thương tổn do quá trình ôxy hóa, có thể dẫn đến ung thư. Nhiều thành phần tự nhiên trong loại trái này có tác dụng khử tế bào ung thư miệng.

- Mắt: Kiwi là nguồn cung cấp tuyệt vời lutein và zeaxanthin, các chất tự nhiên có trong mắt người. Chế độ ăn uống giàu lutein có tác dụng ngừa đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng có thể gây mù lòa.

Nấm

- Ung thư tiền liệt tuyến: Nhiều loại nấm chứa hàm lượng cao selenium, một loại khoáng chất chống ung thư. Chất chiết xuất từ nấm trắng có khả năng kiềm chế tế bào ung thư tiền liệt tuyến và làm teo khối u.

- Hệ miễn dịch: Nấm có chứa các chất giúp hệ miễn dịch loại bỏ các tế bào bất thường có thể gây bệnh.

- Đau nửa đầu: Psilocybin, chất chiết xuất từ một số loại nấm, đang được nghiên cứu để trị chứng đau nửa đầu.

Tần dầy lá

- Ung thư: Một muỗng súp tần dầy lá có tác dụng chống ôxy hóa tương đương một quả táo. Loại rau thường dùng cho món canh chua còn chứa axít phenolic có thể giúp phòng ngừa một số bệnh ung thư.

- Kháng khuẩn: Tần dầy lá có khả năng diệt khuẩn E. coli và Giardia lamblia, một loại ký sinh trùng gây tiêu chảy, đau bụng.

Khoai tây

- Tiểu đường: Nghiên cứu cho thấy vỏ khoai tây giúp hạ hàm lượng đường trong máu ở chuột bị tiểu đường.

- Ung thư: Khoai tây có chứa protein lectin có khả năng ức chế khối u ung thư.

Nước khoai tây ép có tác dụng tẩy sạch bụi bẩn trên da.

Bo bo

- Kiểm soát thể trọng: Bo bo chứa nhiều đạm hơn so với bất kỳ loại ngũ cốc nào nên được xem là “mẹ của các loại ngũ cốc”. Đây là thực phẩm chống béo phì lý tưởng nhất do nó tạo cho người ăn cảm giác mau no và no lâu.

Dâu tây

- Kháng viêm: Dâu tây có tác dụng kiềm chế hoạt động của các enzyme kích thích phản ứng viêm trong cơ thể.

- Tiểu đường: Loại trái này giúp kiểm soát bệnh tiểu đường típ 2 bằng cách giảm hàm lượng đường trong máu sau bữa ăn có nhiều tinh bột.

Một nghiên cứu ở động vật cho thấy dâu tây có đặc tính chống huyết khối khá mạnh.

Trà

- Ung thư: Trà có chứa nhiều thành phần chống ôxy hóa giúp ngăn ngừa ung thư ở miệng, da, tử cung, phổi và hệ tiêu hóa.

- Béo phì: Nghiên cứu ở Nhật cho thấy uống trà xanh có thể làm tiêu hao lượng mỡ thừa, chống béo phì.

- Loãng xương: Phụ nữ trung niên uống trà thường xuyên có mật độ xương dày hơn so với người không uống.
THỤY TRÚC (Theo Daily Mail, Báo điện tử Cần Thơ)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video