Một nghiên cứu mới đây cho thấy, tuy là một loài vật hiền lành nhưng khi khan hiếm thức ăn, nòng nọc sẽ ăn thịt cả đồng loại của mình.
>>> Nòng nọc to bằng quả trứng gà
Nhiều loài ếch nhái, thằn lằn và các loài bò sát khác cũng có xu hướng ăn thịt lẫn nhau ở một mức độ nào đó, nhất là khi nguồn thức ăn khan hiếm. Tuy nhiên, việc chúng thích chế độ ăn uống này hơn hay bắt buộc phải lựa chọn vẫn chưa được giải thích rõ ràng trong một số trường hợp.
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Saskatchewan (Canada) tự hỏi việc ăn thịt đồng loại có là lựa chọn giàu dinh dưỡng nhất cho nòng nọc hay không? Theo lý thuyết thì câu trả lời là có vì việc này sẽ cung cấp lượng chất dinh dưỡng và vitamin phù hợp với nhu cầu sinh học.
Nòng nọc cũng ăn thịt đồng loại. (Nguồn: livescience.com)
“Trên lý thuyết, bất cứ đồng loại nào của một loài cũng có thể là một bữa ăn lý tưởng bởi ở đó có đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển với lượng được cho là phù hợp", Dale Jefferson, đồng tác giả của nghiên cứu trả lời phỏng vấn của Live Science.
Để biết rõ hơn liệu nòng nọc có ưa thích thịt đồng loại hơn các nguồn thực phẩm khác hay không, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một loạt thí nghiệm. Họ cho nòng nọc ăn nhiều loại thực phẩm như tôm nước mặn đông lạnh, ngô, thịt nòng nọc hoặc bỏ đói chúng.
Họ nhận thấy nòng nọc chỉ ăn thịt đồng loại khi chúng bị đói, và khi có sự cạnh tranh gay gắt về thức ăn với những con nòng nọc khác. Trong những trường hợp khác, chúng sẽ chọn loại thức ăn khác.
Việc ăn thịt đồng loại này cũng gây ra nhiều mất mát. Những cá thể của một loài có thể chống lại nhau và làm bị thương nhau, cũng như gây bất lợi cho sự tiến hóa do nguồn gene bị hạn chế bắt nguồn từ việc ăn thịt những loài họ hàng.
Khả năng lây truyền mầm bệnh cũng tăng lên bởi những cá thể của cùng một loài sẽ nhạy cảm hơn với cùng một loại bệnh, trong khi các loài có họ hàng xa lại không thường xuyên gặp phải vấn đề này.
Jefferson cho biết, nghiên cứu này là đúng lúc vì các ao hồ thuộc diện nghiên cứu tại Canada đang cạn dần trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu. Những ảnh hưởng khí hậu trong tương lai có thể sẽ tiếp tục làm nước ao hồ cạn bớt và khiến cho mật độ nòng nọc tăng lên, dẫn đến những tranh chấp về chỗ ở. Điều này sẽ làm gia tăng tỷ lệ ăn thịt đồng loại của chúng cũng như sự lây lan mầm bệnh.