Nước sông Tô Lịch "hồi sinh" sau một tuần "giải cứu"

Sau một tuần đặt máy xử lý chất thải xuống sông, nước sông Tô Lịch đã trong hơn và giảm mùi hôi đáng kể.

Chất lượng nước tại sông Tô Lịch được cải thiện đáng kể

Sau đúng một tuần Hà Nội đặt máy xử lý chất thải công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản xuống lòng sông Tô Lịch, địa điểm đặt máy này nằm trên khúc sông dọc đường Nguyễn Đình Hoàn, Cầu Giấy, khi đi qua đây, nhiều người dân không giấu nổi sự vui mừng.

Theo quan sát, hiện đoạn sông này nước đã trở nên trong, sạch hơn. Mùi hôi từ lòng sông bốc lên cũng giảm đáng kể. Màu nước không còn đen đục, nổi váng. Những chiếc máy vẫn đang hoạt động, sục bọt trắng xóa nổi lên.

Chị Nguyễn Thị Hòa (32 tuổi, đường Trần Quốc Hoàn) chia sẻ: "Đúng là mùi hôi giảm hẳn, nhìn nước cũng xanh hơn. Hi vọng công nghệ này sẽ xử lý dứt điểm được sự ô nhiễm của sông Tô Lịch. Bao năm qua, người dân đã khốn khổ vì mùi hôi thối rồi".

Chị Hòa kể, trước đây đi qua khúc sông này người dân phải bịt kín khẩu trang. Nhà nào sống gần đây, vào ngày mưa không dám mở cửa vì mùi hôi bốc lên. Chị và nhiều người rất vui mừng vì tín hiệu khả quan từ việc "hồi sinh" sông Tô Lịch.


Máy xử lý chất thải công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. (Ảnh: TL).

Cùng quan điểm, anh Vũ Quốc Tùng (32 tuổi, sống tại đường Láng) nói rằng, Hà Nội đã nhiều lần bàn về việc giải cứu sông Tô Lịch nhưng lần này là khả quan nhất. "Có lẽ không chỉ tôi mà nhiều người cũng từng ngày mong ngóng sông Tô Lịch sẽ có không khí trong lành để người dân sáng sớm có thể đi tập thể dục ở đó. Tuy nhiên, việc đặt máy mới được một tuần, chẳng ai dám khẳng định nó đã thành công hay chưa", anh Tùng chia sẻ.

Được biết, công nghệ Bio-nano của Nhật Bản áp dụng theo ý tưởng phát minh mới là đưa hệ thống xử lý kết hợp giữa công nghệ sinh học và công nghệ Nano-Bioreactor có tốc độ xử lý gấp 6 lần tốc độ âm thanh, tạo nên Nhà máy xử lý nước thải bằng công nghệ Nano-Bioreactor, vật liệu thiên nhiên vào trong lòng sông.

Công nghệ này xử lý triệt để từ nguồn ô nhiễm nước thải chảy vào và xử lý được tận gốc nguyên nhân gây ra mùi hôi và ô nhiễm là phân hủy hoàn toàn lớp bùn đáy tích tụ mà không cần phải dùng các biện pháp nạo vét cơ học.

Trước đó, ngày 16/5, Hà Nội bắt đầu triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản.

Dự án tài trợ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

Dẫn nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch: Giải pháp cần thiết

Xoay quanh việc Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) khởi công dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây (Hà Nội) bằng công nghệ Nano của Nhật Bản, một số ý kiến cho rằng, bơm nước sông Hồng để làm sạch nước sông Tô Lịch cũng là giải pháp trước mắt mà Hà Nội nên nghiên cứu. Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước) cho biết, đây cũng chính là đề xuất của công ty nằm trong dự án "đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch" mà đơn vị vừa trình lên UBND TP Hà Nội.

Cụ thể, Công ty Thoát nước đã đề xuất giải pháp bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây tạo lưu thông. Đến khi Hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ vào hai cửa xả đến sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.


Hà Nội đang tích cực có nhiều biện pháp cải tạo nước sông Tô Lịch. (Ảnh: Thanh Hải).

"Nếu đề xuất được lãnh đạo TP thông qua, Công ty sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000m3/ngày, đêm dẫn vào Hồ Tây. Sau khi nước Hồ Tây được cải thiện bằng nước sông Hồng, Công ty điều tiết nước từ hồ qua hai cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để giúp làm sạch nước sông.

Trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất này, một số ý kiến cho rằng, việc lấy nước sạch hơn để thau rửa sông Tô Lịch về kỹ thuật "không có gì khó khăn", song đây chỉ là giải pháp trước mắt. Để giải quyết được phần gốc của vấn đề vẫn là xử lý ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt đổ vào con sông này.

Theo PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viên Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), vấn đề cốt yếu là việc tách nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý chảy xuống sông.

Cần thay đổi ý thức

Công nghệ làm sạch nano – bioreactor được các chuyên gia Nhật Bản cam kết sẽ xử lý triệt để 3 vấn đề của sông Tô Lịch: Mùi hôi, chất lượng nước, lượng bùn, và có giá thành rẻ hơn nhiều so với xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Những xét nghiệm nhanh ban đầu sau khi chạy thử nghiệm cho thấy đã có chuyển biến, đem lại kỳ vọng rằng công nghệ hiện đại sẽ giải quyết được ô nhiễm để cứu dòng sông chết.


Mặc dù công nghệ dù có hiện đại đến mấy cũng sẽ đầu hàng nếu ý thức và thói quen sinh hoạt của con người không được cải thiện.

Nhưng cho dù công nghệ có hiện đại bao nhiêu cũng không có nghĩa là chúng ta cứ tiếp tục thói quen sinh hoạt như hiện nay. Việc xử lý nước thải, nhất là từ các nhà máy, bệnh viện vẫn cần được tiếp tục nghiêm ngặt để hạn chế hóa chất, mầm bệnh, các loại chất thải độc hại khác đổ vào sông Tô Lịch. Nhận thức về môi trường của người dân cần phải thay đổi mạnh mẽ để giảm các nguồn thải nguy hiểm ngay từ cống thoát nước trong mỗi gia đình mình. Công tác quản lý chắc chắn phải siết chặt, ý thức của người dân phải thay đổi để dòng sông không bị tiếp tục gánh các loại chất thải rắn, chất thải nhựa nữa. Đó cũng là bài học đã xảy ra với sông Thames ở thủ đô London của nước Anh, khi người Anh hồi sinh được sông Thames nửa thế kỷ trước và nó trở thành một trong những con sông đô thị đẹp nhất thế giới.

Báo chí từng ghi nhận, sau trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 11/2008, người dân ở Hà Nội đã được chứng kiến nước sông Tô Lịch trong vắt như xưa. Khi đó, sông Tô Lịch bị nước mưa làm loãng bớt bùn, dâng cao hàng mét, cuồn cuộn chảy và có cả cá bơi. Trận lụt đó đã làm sông Tô Lịch sạch sẽ trở lại chỉ trong vòng vài tuần lễ. Rõ ràng, việc làm sạch sông Tô Lịch không phải chỉ là trong một dự án, cũng không phải chỉ của chính quyền Hà Nội hay một bộ, ban, ngành nào, mà cần sự chung tay của cả thành phố lẫn người dân, thì mới có hy vọng sông trong xanh trở lại.

Cập nhật: 28/05/2019 Theo vnreview/ktdt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video