Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 27/3 của các nhà khoa học Anh, mức độ ô nhiễm không khí cao ở Anh và xứ Wales có liên quan đến các giai đoạn rối loạn tâm lý ở thanh thiếu niên, như nghe thấy các giọng nói hay hoang tưởng. Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Anh liên quan tới vấn đề chất lượng không khí tại nước này.
Trẻ em và thanh thiếu niên sống trong thành phố có nguy cơ bị rối loạn tâm lý cao gấp đôi so với những người sống ở khu vực nông thôn. (Ảnh minh họa).
Cụ thể, những trẻ em và thanh thiếu niên sống trong thành phố có nguy cơ bị rối loạn tâm lý cao gấp đôi so với những người sống ở khu vực nông thôn. Nhà khoa học Joanne Newbury, tác giả chính của bài nghiên cứu nhấn mạnh, mặc dù nghiên cứu không xác định cụ thể các chất gây ô nhiễm dẫn tới chứng rối loạn tâm lý ở thanh thiếu niên, nhưng có thể giải thích cho mối liên hệ giữa cuộc sống thành thị và chứng rối loạn tâm lý.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu kéo dài 2 thập kỷ qua đối với hơn 2.200 trẻ em Anh sinh năm 1994 - 1995 và so sánh với dữ liệu ô nhiễm không khí quốc gia từ năm 2012. Khoảng 30% trong số này ít nhất 1 lần trải qua giai đoạn rối loạn tâm lý trong độ tuổi từ 12 - 18, với tỷ lệ cao nhất ở các thành phố tiếp xúc nhiều với khí NO2, NOX và các hạt ô nhiễm không khí nhỏ như bụi và khói. Các nhà khoa học cho biết, những người trẻ tuổi trải qua các giai đoạn rối loạn tâm lý có nguy cơ phát triển thành các rối loạn tâm lý nghiêm trọng như tâm thần phân liệt hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Đầu tháng 3, Liên Hợp Quốc cảnh báo, ô nhiễm không khí nên được xem là vấn đề nhân quyền, bởi tình trạng này gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu, trong đó có 600.000 trẻ em. Theo Giáo sư Frank Kelly, trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của ô nhiễm không khí do sự non nớt của não bộ và hệ hô hấp.