Phá tổ ong bắp cày sát thủ khổng lồ chứa tới 1.500 ấu trùng

Sở Nông nghiệp Bang Washington phá hủy tổ ong bắp cày châu Á chứa 1.500 ấu trùng hôm 28/8 bằng dụng cụ cắt và máy hút.

Đây là tổ ong bắp cày sát thủ đầu tiên được phát hiện ở Washington trong năm nay. Sở Nông nghiệp Bang Washington (WSDA) cũng đề nghị người dân địa phương báo cáo nếu nghi ngờ trông thấy loài vật xâm hại này hoặc tổ của chúng. WSDA sẽ tiếp tục đặt bẫy chúng đến cuối tháng 11, Live Science đưa tin.


Tổ ong bắp cày sát thủ vừa phát hiện ở Washington chứa 1.500 ấu trùng đang phát triển. (Ảnh: WSDA)

Các nhà côn trùng học tìm thấy tổ ong bắp cày sát thủ ở một gốc cây chết tại phía đông thành phố Blaine, hạt Whatcom. Khu vực này không xa lạ với WSDA vì tháng 10 năm ngoái, họ tìm thấy một chiếc tổ khác cách đó 3,2km. Ngày 11/8 vừa qua, họ cũng nhận được thông báo rằng ong bắp cày sát thủ xuất hiện chỉ cách gốc cây 0,4km.

Sau khi tìm thấy chiếc tổ, các nhân viên WSDA mặc đồ bảo hộ để tránh bị đốt và hút ra được 113 con ong. Họ cũng bắt được thêm 67 con ong bắp cày khác trong vùng. Khi tách bớt vỏ và gỗ của gốc cây chết, các nhân viên xác định được trong tổ có tới 1.500 ấu trùng đang phát triển. Họ dỡ bỏ một phần gốc cây và tổ ong để nghiên cứu tại cơ sở của Đại học Bang Washington ở Bellingham, hạt Whatcom.

Ong bắp cày sát thủ hay còn gọi là ong bắp cày khổng lồ châu Á (Vespa mandarinia), gây chú ý vào năm 2019, khi chúng lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ, cụ thể là hạt Whatcom. Với chiều dài khoảng 5 cm, đây là loài ong bắp cày lớn nhất thế giới. Ong bắp cày sát thủ là sinh vật bản địa ở Đông Á và Đông Nam Á. Có thể chúng đã tới Mỹ khi đi theo khách du lịch hoặc container vận chuyển.


Một nhân viên của WSDA đứng trước tổ ong bắp cày. (Ảnh: WSDA)

Chỉ ong bắp cày sát thủ cái mới có vòi đốt, nhưng loài vật này thường giết bọ cánh cứng và ong mật theo cách khác. Đó là xé xác con mồi. Ong bắp cày sát thủ có thể tổ chức những cuộc tấn công quy mô nhắm vào tổ ong mật, phá hủy chiếc tổ trong vòng vài tiếng, theo WSDA.

Ong bắp cày sát thủ có thể gây chết người. Tại Nhật Bản, khoảng 40 người chết do vết đốt của loài vật này mỗi năm, theo nghiên cứu năm 2007 trên tạp chí Clinical Toxicology. Các trường hợp tử vong thường do suy thận, sốc phản vệ, đau tim và suy đa tạng do bị đốt nhiều lần.

Cập nhật: 01/09/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video