Hồ Chad ở châu Phi đã mất đi 95% diện tích kể từ 1963. Còn biển Chết đã thấp xuống 25 mét so với 50 năm trước... Những thay đổi chóng mặt do biến đổi khí hậu đang buộc các nhà làm bản đồ phải vẽ lại bộ mặt thế giới.
"Chúng ta thực sự có thể trông thấy các thảm họa môi trường đang diễn ra trước mắt", Mick Ashworth, tổng biên tập bộ ấn bản mới của The Times Comprehensive Atlas of the World (cuốn atlas thuộc diện cổ nhất thế giới) nhận định. Ngoài hai địa danh kể trên, còn rất nhiều biến đổi khác liên quan đến việc các hồ biến mất và các bờ biển bị biến dạng.
- Biển Aral ở Trung Á đã co ngót đi 75% kể từ năm 1967.
- Các lưu vực của sông Rio Grande và Colorado ở Bắc Mỹ, sông Hoàng Hà ở Trung Quốc và Tigris ở Trung Đông giờ đây cạn trơ trong mùa hè và ở một số thời điểm trong năm, chúng còn không chảy ra biển được nữa.
- Bờ biển Bangladesh đã phải vẽ lại vì gió mùa mạnh hơn và nước biển dâng cao khiến cho nhiều vùng đất đai bị nuốt chửng xuống nước.
- Một vài quần đảo trên Thái Bình Dương cũng đang bị đe dọa do nước biển dâng, như Kiribati, quần đảo Marshall, Tokelau, Tuvalu và Vanuatu.
Hồ Chad ở châu Phi (vẽ năm 1973) là một trong 6 chiếc hố lớn nhất thế giới, cung cấp nước cho 20 triệu người. (Ảnh Foxnews) |
Các ấn bản mới của cuốn atlas sẽ tính đến những thay đổi trong tầng băng trên biển Bắc cực và sự thu hẹp hay mở rộng các hồ, sông, biển và các biên giới rừng, khi chúng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia xây dựng atlas cũng đang để mắt đến ngôi làng Inupiat ở Shishmaref, Alaska, nơi nhiệt độ đã tăng liên tục trong 3 thập kỷ gần đây và nước biển xâm lấn khoảng 3 mét mỗi năm, có thể biến nó thành cộng đồng đầu tiên ở Mỹ phải di cư vì trái đất nóng lên.
Phiên bản mới của atlas cũng ghi chú rằng 40% các rạn san hô trên thế giới đã thành bãi đá chết hoặc suy tàn trong những thập kỷ gần đây, và cứ mỗi năm, lại có hơn 1% diện tích rừng nhiệt đới bị xoá sổ.
Và đây là hồ Chad năm 2003 (Ảnh: LiveScience)
T. An