Sáng 20/11, các nhà khảo cổ đã phát hiện 2 chiếc hũ, kéo dài thêm danh sách những di vật tìm thấy tại khu vực khai quật khảo cổ học di tích Đàn Xã Tắc ở Hà Nội. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, người chủ trì cuộc khai quật khẳng định, chắc chắn đây là 2 chiếc hũ cổ.
Hũ cổ tại hố khai quật. |
Theo tiến sĩ địa chất học Nguyễn Định Dĩ, nền đất ở các hố thám sát rất chắc, là đất nguyên thổ nên có thể khẳng định đây là đất nền của di tích.
Là một trong các loại đàn tế cổ, Đàn Xã Tắc là nơi được lập để tế Hậu thổ (Thần Đất) và Thần Nông - hai vị thần của nền văn minh lúa nước. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Đàn Xã Tắc được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048), đến thời Vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu.
Đàn Xã Tắc thường được đắp lộ thiên, gồm 2 tầng, hình vuông, mặt chính diện quay về hướng bắc, cả 2 tầng đều có lan can gạch chạy xung quanh, chính giữa bốn mặt đều xây dựng hệ thống bậc cấp. Cạnh đài cao khoảng 28m, tầng trên cùng cao khoảng 1,6m, là nơi vua quan lên làm lễ tế.
Trên nền dựng 32 bệ đá để cắm tàn. Khuôn viên Đàn Xã Tắc được giới hạn bằng một vòng tường gạch hình chữ nhật. Mặt hướng bắc được trổ 3 cửa, còn lại chỉ được trổ một cửa. Bên ngoài vòng thành ở phía nam được dựng một bức bình phong.
Hiện các nhà khảo cổ đã đào được 3 hố thám sát trên diện tích khai quật 100m2. Cuộc khai quật được bắt đầu từ 31/10 và dự định kết thúc vào hết tháng 11. Nhưng trước việc tìm thấy các di tích, di vật, UBND TP Hà Nội đã cho phép công việc khai quật được mở rộng diện tích và kéo dài đến hết tháng 12.
Theo ông Nguyễn Hồng Kiên, ngoài 2 hũ vừa phát hiện sáng hôm qua (vẫn chưa được lấy lên khỏi mặt đất nên chưa xác minh được bên trong đựng gì), hầu hết các di vật tìm thấy mới chỉ là các mảnh gạch ngói thuộc các niên đại Lý, Trần, Lê.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng phát hiện một số nền lát gạch cổ và một số di tích có lẽ là đường lan can hoặc hào bằng gạch. Tuy nhiên, do diện tích khai quật cũng như số lượng các di vật phát hiện chưa nhiều, nên ông Kiên chưa khẳng định gì thêm.