Đài quan sát cổ nằm ở di tích Taosi ở Sơn Tây lâu đời hơn đài quan sát được cho là xưa nhất ở Maya, Trung Mỹ.
He Nu, nhà nghiên cứu tại Viện khảo cổ Trung Quốc, cho biết đài quan sát này được xây vào cuối thời kỳ của xã hội nguyên thuỷ, không chỉ được dùng để quan sát các hiện tượng thiên văn mà còn để thực hiện các nghi lễ hiến tế.
Dấu vết còn lại của đài quan sát bao gồm một hình bán nguyệt có đường kính 40 m là nền quan sát chính và một vòng tròn bên ngoài có đường kính 60 m. Có 13 cột đá, cao ít nhất 4 m, đứng trên nền móng của vòng tròn đầu tiên, tạo nên 12 khoảng trống ở giữa.
"Những người cổ đại quan sát hướng mặt trời mọc qua khoảng trống và phân biệt các mùa trong năm", He nói.
Để kiểm tra giả thuyết, các nhà khảo cổ đã mất một năm rưỡi để mô phỏng việc quan sát của người cổ đại tại khu vực. Điều ngạc nhiên là những mùa được tìm ra từ việc quan sát chỉ chênh lệch 1-2 ngày so với mùa của lịch Trung Quốc truyền thống, vẫn đang được sử dụng rộng rãi ở vùng nông thôn.
Khu di tích Taosi, có từ 4.300 năm trước, nằm tại thành phố Linfen, tỉnh Sơn Tây, trải dài trên diện tích 3 triệu m2. Nơi đây được cho là khu định cư của 5 triều đại nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc (2.600 - 1.600 trước Công nguyên).
Một văn bản lịch sử cho biết Trung Quốc có những vị quan chuyên trách việc quan sát thiên văn vào đầu thế kỷ 24 trước Công nguyên. Việc phát hiện ra đài quan sát ở Taosi đã càng khẳng định điều đó.
M.T. (theo Tân Hoa Xã)