Các dấu chân hóa thạch hơn 150 triệu năm tuổi ở Australia tiết lộ một loài khủng long ăn thịt có kích thước gần bằng khủng long bạo chúa T-rex.
Theo báo cáo xuất bản trên tạp chí Lịch sử Sinh học hôm 12/6, các dấu chân xuất hiện vào cuối kỷ Jura, có niên đại cách đây 151 - 165 triệu năm. Chúng dài từ 50 đến 80cm, có thể được tạo ra bởi một loài khủng long chân thú thuộc chi Quái dị long (Allosaurus), khi những con vật khổng lồ đi bộ qua khu rừng đầm lầy từng chiếm phần lớn cảnh quan ở phía nam Queensland.
Dấu chân khủng long ăn thịt dài 80cm ở Australia. (Ảnh: Đại học Queensland).
Phân tích dấu chân hóa thạch cho thấy loài quái dị long này có thể cao tới 3m tính tới hông và dài khoảng 10m tính cả đuôi. Nó chỉ nhỏ hơn một chút so với khủng long bạo chúa T-rex (cao 3,25m và dài 12 - 13m), nhưng có thể là động vật săn mồi lớn nhất trên hành tinh vào thời điểm đó, theo trưởng nhóm nghiên cứu Anthony Romilio từ Đại học Queensland, Australia.
"Các nhà cổ sinh vật học trước đây đã biết về những con khủng long bạo chúa T-rex ở Bắc Mỹ, Giganotosaurus ở Nam Mỹ và Spinosaurus ở châu Phi, nhưng đây là lần đầu tiên dấu vết của một loài khủng long ăn thịt lớn được tìm thấy ở Australia", Romilio nhấn mạnh.
Kích thước loài quái dị long tạo ra dấu chân ở Australia so với T-rex. (Ảnh: Đại học Queensland).
Các dấu chân đã được phát hiện từ lâu trong một mỏ than bên dưới lòng đất ở phía bắc thành phố Toowoomba nhưng đến nay mới được các nhà khoa học phân tích. Chúng được lưu trữ bên trong Bảo tàng Queensland suốt 70 năm qua.
Kỷ lục dấu chân khủng long lớn nhất hiện thuộc về một loài khủng long ăn cỏ từng sinh sống ở tây bắc Australia với chiều dài lên tới 1,75m. Trong khi đó, dấu chân lớn nhất của khủng long ăn thịt được tìm thấy ở Bolivia vào tháng 7/2016 với chiều dài 1,15m.