Phát hiện loài "quái dị long" cổ xưa nhất

  •  
  • 948

Hóa thạch 155 triệu năm tuổi ở bang Utah tiết lộ một loài khủng long ăn thịt đi bằng hai chân từng sinh sống ở phía tây Bắc Mỹ.

Loài mới, Allosaurus jimmadseni, được xác định thuộc chi Allosaurus (quái dị long) và là thành viên cổ xưa nhất từng được biết đến trong nhóm khủng long ăn thịt lớn đi bằng hai chân này. Chúng đã lang thang trên Trái Đất từ cách đây 157 - 152 triệu năm, theo công bố trên tạp chí khoa học PeerJ hôm 24/1.

Hình ảnh phục dựng khủng long Allosaurus jimmadseni.
Hình ảnh phục dựng khủng long Allosaurus jimmadseni. (Đồ họa: Andrey Atuchin).

Các phân tích hóa thạch cho thấy Allosaurus jimmadseni trưởng thành dài khoảng 8 - 9 m và nặng tới 1,8 tấn. Nó có hộp sọ hẹp, cặp sừng nhỏ nằm phía trên mắt, cùng chiếc mào chạy từ sừng đến mũi. Mỗi chi của con vật gồm ba móng vuốt sắc nhọn.

"Trước đây, các nhà cổ sinh vật học tin rằng chỉ có một loài quái dị long sinh sống ở Bắc Mỹ, đó là Allosaurus fragilis. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy Allosaurus jimmadseni có mặt trên Trái Đất sớm hơn họ hàng của nó ít nhất 5 triệu năm", Mark Loewen, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. "Hộp sọ của A. jimmadseni nhẹ hơn đáng kể so với A. fragilis, hé hộ hành vi săn mồi khác nhau giữa hai loài".

Một nhóm A. jimmadseni phối hợp săn một loài khủng long khác lớn hơn.
Một nhóm A. jimmadseni phối hợp săn một loài khủng long khác lớn hơn. (Đồ họa: Todd Marshall).

Theo nhóm nghiên cứu, A. jimmadseni sinh sống và săn mồi theo nhóm. Chúng từng phát triển mạnh mẽ tại các vùng đồng bằng ngập nước, ngày nay là khu vực Colorado, Utah và Wyoming ở phía tây Bắc Mỹ trong thời kỳ cuối kỷ Jura.

"Phát hiện mới một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu cổ sinh vật học ở các vùng đất phương Tây. Khám phá về A. jimmadseni sẽ cung cấp thông tin quan trọng về cuộc sống thời tiền sử trong kỷ Jura ở Bắc Mỹ", đồng tác giả của nghiên cứu Brent Breithaupt nhấn mạnh.

Cập nhật: 30/01/2020 Theo VnExpress
  • 948