Sử dụng radar quét xuyên đất, phát hiện một thành phố cổ thời La Mã

  •   2,52
  • 8.792

Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện một thành phố cổ ở phía Bắc thủ đô Rome (Italy) bằng radar quét xuyên đất (GPR).

Sự nguy nga của thành phố Falerii Novi bị vùi lấp từ lâu tại khu vực thung lũng Sông Tiber đã "lộ diện" mà không cần phải lật mở bất kỳ một viên gạch nào. Thay vào đó, nhóm nhà khoa học tại Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Ghent (Bỉ) đã sử dụng các thiết bị GPR và hệ thống vệ tinh định vị để tạo lập các hình ảnh mô phỏng không gian 3 chiều (3D) của thành phố mất tích xưa kia này.

Hình ảnh thành phố cổ Falerii Novi ở phía Bắc thủ đô Rome, Italy thu được bằng cách sử dụng radar quét xuyên đất (GPR).
Hình ảnh thành phố cổ Falerii Novi ở phía Bắc thủ đô Rome, Italy thu được bằng cách sử dụng radar quét xuyên đất (GPR). (Ảnh do Đại học Cambridge (Anh) đăng phát ngày 4/6/2020: AFP/TTXVN)

Các phương pháp khai quật truyền thống và kỹ thuật hình ảnh 2 chiều (2D) như sử dụng từ kế dù đã tiết lộ nhiều manh mối về hình dáng của các thành cổ La Mã nhưng không thể mang tới cái nhìn tổng quan về sự hình thành những thành phố này. GPR thậm chí có thể giúp các nhà nghiên cứu lập bản đồ thêm nhiều thành phố cổ khác nhau mà không cần phải tiến hành khai quật các khu vực hoặc làm ảnh hướng tới các công trình kiến trúc được xây dựng trên các khu vực này.

Kết quả đăng tải trên tạp chí Antiquity ngày 9/6 đã gợi mở nhiều khía cạnh kiến trúc La Mã và thiết kế thành thị vốn ít được biết tới.

Thành phố này được cho là hình thành trong những năm 241 trước Công nguyên.
Thành phố này được cho là hình thành trong những năm 241 trước Công nguyên. (Ảnh do Đại học Cambridge (Anh) đăng phát ngày 4/6/2020: AFP/TTXVN)

Giáo sư Martin Millett, một trong nhiều tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho biết đây là lần đầu tiên GPR được sử dụng để tạo bản đồ một thành phố trọn vẹn. Thiết bị này giúp tao ra bức tranh toàn cảnh có độ phân giải cao về những điều ẩn dưới mặt đất, thậm chí giúp con người có thể nhìn được điều gì đang diễn ra ở những độ sâu khác nhau.

Thành phố Falerii Novi - xuất hiện từ thời La Mã hiện đại - đã bị chôn vùi dưới lòng đất trong khoảng 13 thế kỷ. Với diện tích khoảng 250.000m2, thành phố này được cho là hình thành trong những năm 241 trước Công nguyên và có dân cư sinh sống tới tận đầu thời kỳ Trung Cổ, khoảng năm 700 sau Công nguyên.

Các hình ảnh 3D mà nhóm nghiên cứu thu được cho thấy sự xuất hiện của các đền thờ, các tòa nhà công quyền, cũng như một lối đi hình trụ được cho là một công trình công cộng.

Thành phố còn có một tuyến đường gần như bao quanh vùng ngoại ô, tập trung những công trình mang tính tôn giáo. Trên con đường này có một tòa nhà đặc biệt, dài tới 60 m với những hàng cột cao khổng lồ, bên trong chứa 2 tòa nhà nhỏ hơn với các hốc đặt tượng trang trí và… đài phun nước.

Kinh ngạc nhất là hệ thống cấp - thoát nước hiện đại mà những con người thế kỷ thứ 3 đã xây dựng nên. Các nhà khoa học đã tìm thấy một tòa nhà lớn, có thể mang vai trò của nhà máy nước với các đường ống dẫn nước và cống thoát liên kết từ đây đến khắp nơi trong thành phố. Điều này giúp người dân ở đây tận hưởng những nhà tắm công cộng và bể bơi tiện nghi.

Thành phố đà tồn tại được gần 5 thế kỷ trước khi bị phá hủy vào khoảng năm 700 sau Công Nguyên.

Ảnh chụp thành phố Falerii Novi bằng công nghệ radar xuyên đất.
Ảnh chụp thành phố Falerii Novi bằng công nghệ radar xuyên đất. (Ảnh: Guardian).

Nhóm tác giả nhấn mạnh rằng tuy nhỏ hơn thủ đô Rome lân cận, nhưng quy hoạch của Falerii Novi được thiết kế "công phu hơn so với bất cứ một thành phố nhỏ nào".

Trong thời gian chờ đợi, các nhà khoa học sẽ phân tích kỹ lưỡng những hình ảnh liên quan đến Falerii Novi để có thể hiểu sâu hơn thành phố cổ này và tiến trình phân tích các dữ liệu thu thập được có thể mất khoảng một vài tháng.

Cập nhật: 11/06/2020 Theo TTXVN/Báo Tin Tức/NLĐ
  • 2,52
  • 8.792