Các nhà khảo cổ Italy đã khai quật được xương của 9 người Neanderthal trong hang động Guattari cách thủ đô Rome khoảng 100km về phía đông nam.
Những bộ hài cốt người cổ đại trong hang Guattari. (Ảnh: AP).
Theo phân tích từ các chuyên gia Cơ quan giám sát khảo cổ học Latina và Đại học Tor Vergata ở Rome, 9 bộ hài cốt bao gồm bảy nam giới, một nữ giới trưởng thành và một cậu bé. Bên cạnh 9 bộ xương trên, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy tàn tích của tê giác, hươu, ngựa hoang, voi, linh cẩu và cả loài bò Aurochs - tổ tiên của bò nhà.
Từ các hộp sọ và xương hàm bị gãy, họ tin rằng những người này sống trong các khoảng thời gian khác nhau. Các bộ hài cốt có thể có tuổi đời từ 50.000 đến 68.000 năm trước, thậm chí là 100.000 năm tuổi, Guardian đưa tin ngày 9/5.
Một trong số những người Neanderthal được tìm thấy trong hang động sống cách đây khoảng 100.000 đến 90.000 năm, và 8 người khác có niên đại khoảng 65.000 đến 50.000 năm trước. (Ảnh: Guardian).
“Bộ xương người là “kho lưu trữ thông tin” tuyệt vời về một chủng người: Từ tuổi tác, giới tính, chiều cao, gene, bệnh tật, chế độ ăn uống, cho đến số km mà một người đã đi, thậm chí là khả năng giải trí của họ”, Mauro Rubini - nhà nhân chủng học làm việc tại Bộ Văn hóa Italy nói với New York Times.
Các chuyên gia khẳng định những phát hiện tại hang động Guattari sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc trong việc nghiên cứu nét đặc trưng về ẩm thực của người Neanderthal. Phân tích sơ bộ từ cao răng nhận thấy chế độ ăn uống của họ rất đa dạng. Họ chủ yếu ăn ngũ cốc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của não bộ.
Hình ảnh trực diện của hộp sọ phụ nữ và xương ngón cái ở bàn tay phải nằm trong số các di vật hóa thạch. (Ảnh: The Guardian).
Mario Rolfo, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Tor Vergata cho biết: “Đó là một phát hiện ngoạn mục. Có lẽ một trận động đất (làm đất đá rơi xuống) bịt kín hang động này trong hơn 60.000 năm, do đó bảo tồn nguyên vẹn những gì ở bên trong”.
Vào năm 1939, hang động Guattari đã trở nên nổi tiếng trong cộng đồng khảo cổ thế giới khi trong hang tìm thấy hộp sọ người Neanderthal. Hang động này càng tạo tiếng vang bởi luận điểm của nhà cổ học Alberto Carlo Blanc, người đầu tiên nghiên cứu tộc người Neanderthal và cho rằng họ đã tham gia vào nghi lễ ăn thịt đồng loại.
Tuy nhiên, luận điểm đã bị bác bỏ sau cuộc khai quật này.
Theo nhận định ban đầu của các nhà nghiên cứu, hầu hết người Neanderthal đã bị giết bởi linh cẩu và sau đó bị chúng kéo về hang động. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể xác định chắc chắn liệu người Neanderthal đã bị giết bởi linh cẩu hay linh cẩu ăn thịt người Neanderthal sau khi họ chết vì những nguyên nhân khác.
Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini cho biết: “Đây là một khám phá phi thường mà cả thế giới sẽ nói về nó. Những phát hiện này sẽ làm phong phú thêm các nghiên cứu về người Neanderthal”.
Người Neanderthal sinh sống chủ yếu ở khu vực châu Âu-Á, từ bờ biển Đại Tây Dương đến vùng núi Ural - đường phân giới hai châu lục châu Âu và châu Á trong 260.000 năm cho đến khi biến mất khoảng 40.000 năm trước.
Năm 2020, các di vật và khảo cổ tìm thấy ở Bulgaria cho thấy người hiện đại và người Neanderthal đã có mặt cùng lúc ở châu Âu trong vài nghìn năm. Khoảng thời gian này đã giúp hai chủng người tương tác sinh học và giao lưu văn hóa.