Các nhà khoa học chụp được một chùm tia plasma phóng ra từ hố đen với tốc độ gần bằng ánh sáng trong sự kiện va chạm thiên hà.
Hố đen "quái vật" nằm ở trung tâm thiên hà RAD12 và chùm tia plasma khổng lồ của nó bắn phá thiên hà lân cận RAD12-B. Cả hai nằm cách Trái Đất khoảng một tỷ năm ánh sáng và đang trong giai đoạn sáp nhập. Phát hiện này đại diện cho lần đầu tiên một luồng vật chất phản lực được nhìn thấy xuất hiện từ một thiên hà và tấn công một thiên hà khác, Space hôm 16/10 đưa tin.
Các chùm tia phản lực thiên văn, bao gồm khí ion hóa và electron, thường được quan sát thấy theo cặp và chuyển động ngược chiều nhau với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Điều khiến trường hợp của RAD12 trở nên độc đáo là hố đen của nó dường như chỉ phóng ra một luồng plasma phản lực hướng về phía RAD12-B. Hiện tượng kỳ lạ này vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Nhóm nghiên cứu tin rằng việc giải mã bí ẩn đó sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về quá trình hình thành sao trong sự kiện hợp nhất thiên hà, vì các luồng tia phản lực được biết đến là thổi bay khí lạnh và tạo ra các "khối xây dựng" cho sự ra đời của sao mới.
Luồng plasma phản lực phóng ra từ trung tâm thiên hà RAD12 và đang tấn công thiên hà RAD12-B. (Ảnh: Ananda Hota/GMRT/CFHT/MeerKAT)
Để quan sát vụ va chạm giữa RAD12 và RAD12-B, các nhà thiên văn học đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ GMRT ở Ấn Độ kết hợp với dữ liệu từ nhiều kính thiên văn khác, chẳng hạn như kính viễn vọng vô tuyến MeerKAT - tổ hợp của 64 ăng ten - bên trong vườn quốc gia Meerkat ở Nam Phi.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Ananda Hota, trợ lý giáo sư tại Khoa Năng lượng Nguyên tử thuộc Đại học Mumbai ở Ấn Độ, luồng phản lực hình nón phóng ra từ hố đen ở trung tâm RAD12 trải dài tới 440.000 năm ánh sáng, dài hơn cả thiên hà chủ của nó, và đã di chuyển đủ xa để va chạm với thiên hà lân cận GMRT.
Hota lưu ý rằng khám phá này cũng có sự đóng góp to lớn của hàng nghìn sinh viên và nhà khoa học công dân trên khắp Ấn Độ. Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society: Letters.