Các nhà khoa học Nhật Bản và Mông Cổ vừa khôi phục thành công bộ xương hoàn chỉnh bị hóa thạch của một con khủng long chưa trưởng thành từ 70 triệu năm trước đây.
Các nhà khoa học đã tìm thấy xương hóa thạch của con khủng long Tarbosaurus, loài khủng long ăn thịt lớn, trong một khối sa thạch họ đào được vào tháng 8/2006 ở Sa mạc Gobi, Mông Cổ.
Theo Takuji Yokoyama, người phát ngôn của Bảo tàng khoa học tự nhiên Hayashibara, Nhật Bản, người đồng tổ chức dự án nghiên cứu chung giữa Nhật và Mông Cổ: “Chúng tôi thật may mắn khi tìm thấy những thứ hóa ra lại là một bộ xương hoàn chỉnh, gồm tất cả các phần quan trọng” của một con khủng long.
Sau hai năm khôi phục, các nhà khoa học phát hiện bộ xương hóa thạch chỉ thiếu mỗi xương cổ và phần đầu của xương đuôi.
Xương hóa thạch của khủng long chưa trưởng thành thường được tìm thấy trong tình trạng không còn được nguyên vẹn bởi chúng bị thời tiết phá hủy, hoặc bị những “kẻ” ăn thịt khác xé ra thành nhiều mảnh. Chính vì vậy phát hiện mới nhất này mở ra cơ hội cho các nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn về sự phát triển của loài khủng long.
Hóa thạch khủng long mới được tìm thấy được cho là của con khủng long 5 tuổi, dài 2m. Khủng long trưởng thành của loài này được cho là dài tới hơn 12m.
Hiện cũng chưa rõ giới tính của con khủng long này. Các nhà khoa học đã tìm thấy xương hóa thạch của nó ở tầng địa lý được tạo thành từ cách đây 70 triệu năm, thuộc cuối Kỷ Creta.
Các nhà khoa học Nhật Bản cùng các đồng nghiệp thuộc Trung tâm Cổ sinh vật học, Học viện khoa học Mông Cổ, đã phối hợp khai quật hóa thạch khủng long này ở Sa mạc Gobi từ năm 1993.