Các nhà nghiên cứu mới phát hiện khối băng khổng lồ nằm bên dưới lớp trầm tích ở sao Hỏa. Phát hiện có thể giúp chúng ta biết được thời tiết sao Hỏa trong quá khứ thế nào.
Bề mặt sao Hỏa trông cằn cỗi và không có sự sống, nhưng có vẻ như hành tinh đỏ này đang ẩn giấu khá nhiều bí mật mà mắt thường của con người không thể nhìn thấy.
Sao Hỏa từng có sông hồ và cả đại dương. (Ảnh: Future).
May mắn là chúng ta có công nghệ. Mới đây, một cuộc tìm kiếm mới bằng radar tại hệ tầng địa chất Medusae Fossae nằm trên đường xích đạo của sao Hỏa tiết lộ một thứ trông giống như những khối băng khổng lồ đang bị chôn vùi dưới nhiều lớp đất đá dày khoảng vài km.
Nước bị chôn vùi dưới lớp trầm tích rất dày
Nghiên cứu này được công bố trên Geophysical Research Letters. Theo các nhà khoa học, đây là lượng nước nhiều nhất từng được tìm thấy ở vùng xích đạo của sao Hỏa. Điều này cho chúng ta thấy rằng hành tinh này thực ra không khô cằn, thiếu nước như chúng ta vẫn nghĩ.
Các nhà khoa học cũng nói thêm rằng lượng nước bị chôn vùi ở sao Hỏa tương đương lượng nước ở Biển Đỏ trên Trái đất. Nếu được đưa lên mặt đất và "đun chảy", khối nước đó sẽ đủ để tạo ra một đại dương với độ sâu 1,5-2,7 m.
Vật thể được cho là những khối băng khổng lồ bị chôn vùi ở sao Hỏa. (Ảnh: ESA).
Dấu vết của những khối băng bị chôn vùi này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2007. Năm đó, các nhà khoa học phát hiện chúng bị chôn vùi dưới lớp trầm tích ở độ sâu 2,5km nhưng họ lại không biết đó là gì.
Nhờ công cụ và dữ liệu mới, các nhà khoa học mới có thể biết được hóa ra thứ được tìm thấy năm 2007 lại là những khối nước khổng lồ bị đóng băng.
Nhà địa chất Thomas Watters của Viện Smithsonian (Mỹ) cho biết ông và các cộng sự đã khám phá hệ tầng địa chất Medusae Fossae bằng cách sử dụng dữ liệu từ radar MARSIS trên tàu vũ trụ Mars Express.
Qua đó, ông nhận ra các lớp trầm tích thậm chí dày 3,7km, dày hơn nhiều so với suy đoán ban đầu.
Hệ tầng địa chất Medusae Fossae là tập hợp những trầm tích khổng lồ kéo dài khoảng 5.000km dọc theo đường xích đạo của sao Hỏa. Hệ tầng này cũng được xem như ranh giới giữa bán cầu bắc và bán cầu nam của hành tinh này.
Đến nay, các nhà khoa học chưa biết điều gì đã tạo ra lớp trầm tích như vậy, chỉ biết rằng chúng rất lớn và có độ dày lên đến vài km.
Các nhà khoa học tìm ra khối băng trên sao Hỏa nhờ radar trên tàu vũ trụ Mars Express. (Ảnh: ESA).
Phát hiện sao Hỏa có nước là tín hiệu đáng mừng
Trong vài thập kỷ qua, hoạt động khám phá sao Hỏa ngày càng phát triển và những hiểu biết trước đây của chúng ta cũng có sự thay đổi đáng kể.
Nhìn bề ngoài, chúng ta thấy được sao Hỏa đã từng là một hành tinh có nước. Nước chảy thành sông, đọng lại thành ao hồ hoặc là đại dương. Nhưng hiện tại, hành tinh này chỉ là một khối trơ trọi khô cằn trên bề mặt.
Trước đây, các nhà khoa học vẫn luôn thắc mắc là nước trên sao Hỏa biến mất như thế nào, do bay hơi hết hay do bị chôn vùi dưới lòng đất. Và phát hiện mới đây đã giúp giới nghiên cứu có được câu trả lời. Nước trên sao Hỏa đã bị "nhốt" ở nơi chúng ta không thể nhìn thấy.
Các nhà khoa học muốn tìm hiểu về nước trên hành tinh cũng vì một lý do rất thực tế. Khi con người lên hành tinh này, họ sẽ cần nước để sinh tồn. Nếu sao Hỏa thực sự có nguồn nước tại chỗ, mọi người có thể giảm được lượng nước cần mang theo.
Không may là nước ở hệ tầng địa chất Medusae Fossae lại nằm ngoài tầm với của con người. Do bị chôn vùi dưới lớp đất đá hàng km, chúng ta chưa thể tiếp cận nguồn nước này.
Dù vậy, phát hiện mới vẫn mang lại cho giới khoa học hy vọng rằng nước có thể đang "ẩn náu" ở những nơi khác trên sao Hỏa. Nghiên cứu cũng cung cấp thêm thông tin để tìm hiểu về những biến đổi của hành tinh này trong quá khứ.
"Những "mỏ băng" này hình thành từ khi nào, sao Hỏa lúc đó trông ra sao? Nếu thứ chúng tôi phát hiện thực sự là băng, những mỏ băng khổng lồ này sẽ thay đổi rất nhiều hiểu biết của chúng ta về lịch sử khí hậu của sao Hỏa", ông Thomas Watters nói với ScienceAlert.