Tàu thăm dò Perseverance đánh dấu ngày thứ 1.000 trên sao Hỏa

  •  
  • 276

Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) Mỹ, tàu thăm dò Perseverance đã đánh dấu mốc 1.000 ngày hoạt động trên “Hành tinh Đỏ”.

Hình ảnh trực thăng thám hiểm sao Hỏa Ingenuity
Hình ảnh trực thăng thám hiểm sao Hỏa Ingenuity (trái) được chụp từ camera của tàu thăm dò Perseverance (phải), ngày 6/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một ngày ở sao Hỏa bằng 24 giờ 37 phút, dài hơn gần 40 phút so với 1 ngày trên Trái đất. Ngày 18/2/2021, tàu thăm dò Perseverance cùng với robot đồng hành - trực thăng Ingenuity - đã hạ cánh xuống sao Hỏa tại miệng núi lửa Jezero. Kể từ đó, tàu có kích thước tương đương một ô tô thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết sự sống cổ đại trên sao Hỏa.

Theo NASA, gần đây, tàu Perseverance đã hoàn thành chuyến thám hiểm vùng châu thổ sông cổ đại lưu giữ bằng chứng về hồ nước chảy vào miệng núi lửa Jezero hàng tỷ năm trước. Đến nay, tàu thăm dò 6 bánh Perseverance đã thu thập tổng cộng 23 mẫu vật, hé lộ lịch sử địa chất tại khu vực này của sao Hỏa.

Nhà khoa học Ken Farley thuộc dự án Perseverance tại Viện Công nghệ California giải thích lý do các nhà nghiên cứu chọn miệng núi lửa Jezero là địa điểm hạ cánh do hình ảnh quỹ đạo cho thấy vùng châu thổ là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ một hồ nước lớn từng làm đầy miệng núi lửa. Hồ nước là môi trường sống tiềm năng trong khi đất đá của vùng đồng bằng là môi trường lý tưởng ẩn giấu những dấu hiệu sự sống cổ đại, như hóa thạch.

Mục tiêu then chốt của sứ mệnh Perseverance trên sao Hỏa là nghiên cứu sự sống trong vũ trụ, trong đó có nhiệm vụ tìm kiếm các dấu hiệu của vi sinh vật cổ đại. Theo NASA, tàu thăm dò này sẽ tìm hiểu địa chất và khí hậu trước đây của sao Hỏa, giúp con người giải mã “Hành tinh đỏ”. Đây là sứ mệnh đầu tiên thu thập và lưu trữ mẫu đất đá của sao Hỏa.

Cùng ngày, NASA thông báo sẽ phóng hệ thống mới quan sát Trái đất vào quỹ đạo để nghiên cứu các đại dương và đám mây. Cụ thể, sứ mệnh mang tên PACE sẽ được đưa vào quỹ đạo từ Trạm vũ trụ Canaveral ở bang Florida (Mỹ) sau ngày 6/2/2024. Dữ liệu thu được sẽ giúp NASA hiểu được cách đại dương và khí quyển trao đổi CO2, đo các biến số khí quyển quan trọng liên quan đến chất lượng không khí và khí hậu Trái đất, đồng thời theo dõi tình trạng các đại dương.

Cập nhật: 15/12/2023 TTXVN/Báo Tin Tức
  • 276