Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đến từ nhiều trường đại học đã phát hiện lactate - chất tuần hoàn tích tụ trong mô và máu, gây cứng cơ và cản trở quá trình trao đổi chất có thể là một trong những tác nhân khiến tế bào ung thư phát triển mạnh và đẩy nhanh tốc độ di căn của các khối u ác tính trong cơ thể người bệnh.
Từ năm 1923, nhà khoa học người Đức đoạt giải Nobel Otto Warburg đã nhận ra các tế bào ung thư có khả năng hấp thụ đường hoặc đường glucose cao gấp nhiều lần so với các tế bào bình thường.
Các tế bào này dường như không có khả năng chuyển hóa lượng đường hấp thụ thành năng lượng, thay vào đó chúng sẽ chuyển hóa 70% lượng đường thành lactate khiến loại chất này trở thành một chất phụ nguy hiểm tồn tại trong cơ thể. Trong nhiều thập kỷ sau đó, các nhà khoa học chỉ tập trung nghiên cứu yếu tố gene trong ung thư, bỏ qua các tìm hiểu về cơ chế chuyển hóa của tế bào ung thư. Vì thế, vai trò của lactate trong quá trình phát triển bệnh ung thư tạm thời không được tính đến.
Người thường xuyên vận động thường ít có nguy cơ mắc các bệnh ung thư do cơ thể của họ có khả năng giải phóng chất lactate.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã phần nào làm sáng tỏ vai trò của lactate trong quá trình hình thành các mạch máu mới trong khối u, cách thức chất này can thiệp vào hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với các tế bào ung thư cũng như cách thức lactate hình thành môi trường vi mô có tính acid hay một khu vực bên ngoài tế bào ung thư, có thể đẩy nhanh tốc độ di căn của khối u ác tính.
Nghiên cứu cũng so sánh những biến đổi bên trong cơ bắp của một vận động viên luyện tập cường độ cao với tiến trình phát triển của bệnh ung thư.
Theo ông Inigo San Milan, Giám đốc Phòng Thí nghiệm sinh lý học thuộc Trung tâm Y học thể thao, Đại học Colorado, đồng thời là một cựu vận động viên đua xe đạp tại giải Tour de France, khi con người tập thể dục với cường độ cao, các cơ bắp có nhiều hoạt động trao đổi chất tương tự như các tế bào ung thư. Cơ bắp có thể hấp thụ và biến một lượng lớn glucose thành năng lượng trong ty thể khiến nồng độ lactate tăng lên, cao hơn mức cơ thể có thể giải phóng. Ty thể là bào quan bao bởi hai lớp màng hiện diện trong tất cả các sinh vật nhân thực. Ty thể sản xuất phần lớn phân tử cao năng adenosine triphosphate, một nguồn năng lượng hóa học cung cấp cho hầu hết các hoạt động của tế bào.
Với người khỏe mạnh, cơ thể sẽ tái sử dụng số lactate này và biến nó thành nguồn năng lượng hữu ích cho não bộ, hệ cơ và các cơ quan khác. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh ung thư, chức năng này có thể không hoạt động và hệ tuần hoàn của cơ thể bị phá vỡ.
Theo các nhà khoa học, những người thường xuyên vận động thường ít có nguy cơ mắc các bệnh ung thư do cơ thể của họ có khả năng giải phóng chất lactate. Trong khi đó, ở những người ít vận động, thích ăn đồ ngọt, cơ thể có thể tích tụ chất lactate, hạn chế quá trình trao đổi chất, dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh ung thư.