Các nhà khảo cổ vừa khai quật một ngôi mộ cổ tại miền Bắc Peru có thể là ngôi mộ chôn cất một vị chức sắc tôn giáo cách đây khoảng 3.000 năm.
Bộ Văn hóa Peru cho biết hài cốt chôn cất trong mộ được đặt tên là "Giáo sỹ vùng Pacoampadi" - vùng cao nguyên nơi phát hiện ngôi mộ nói trên.
Nhà khảo cổ khai quật ngôi mộ 3.000 năm tuổi tại Pacopampa ở Cajamarca, Đông Bắc Peru (ảnh do Bộ văn hóa Peru công bố ngày 27/8/2023). (Ảnh: AFP/TTXVN).
Giáo sỹ này được chôn dưới sáu lớp tro trộn với đất đen, cùng nhiều chiếc bát sứ trang trí và những con dấu hoa văn trang trí trên cơ thể mang tính nghi lễ cổ xưa được sử dụng cho những người có địa vị cao trong xã hội.
Các nhà khoa học cũng phát hiện hai con dấu đặc biệt dọc theo mép trên của ngôi mộ. Trong đó, một con dấu giống hình mặt người hướng về phía Đông, con dấu còn lại có hình một con báo đốm và hướng về phía Tây.
Nhà khảo cổ Yuji Seki chủ nhiệm dự án cho biết ngôi mộ cổ này có kích thước lớn "khác thường", với đường kính gần 2m và độ sâu 1m. Ngoài ra, thi thể được chôn cất trong tư thế cũng rất đặc biệt, nằm sấp, hai bàn chân bắt chéo nhau.
Trên bộ hài cốt, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một chiếc tupu - loại ghim lớn được người thổ dân da đỏ tại vùng núi Andes sử dụng để cài áo choàng. Tuy nhiên, tupu thường được phụ nữ sử dụng.
Theo nhà khảo cổ Seki, mặc dù người được chôn cất trong ngôi mộ là nam giới, nhưng những thứ liên quan tới người này rất đặc biệt và đây có thể là một nhà lãnh đạo ở thời đại của ông ta.
Các cổ vật được tìm thấy bên trong ngôi mộ cổ tại Pacopampa ở Cajamarca, Đông Bắc Peru, ngày 27/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Theo Bộ Văn hóa Peru, kết quả giám định các lớp đá của ngôi mộ cho thấy vị giáo sỹ này có thể được chôn cất vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên. Ngôi mộ mới được khai quật này thuộc dự án khảo cổ Pacoampa đã được triển khai ở khu vực này kể từ năm 2005.