Phát hiện nguồn gốc của virus cúm A (H1N1)

Các nhà khoa học Nhật Bản và Mỹ vừa phát hiện ra nguồn gốc tiến hóa của virus cúm A (H1N1) có khả năng gây chết người.

Phát hiện này sẽ giúp các các cơ quan y tế tìm kiếm các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và điều trị dịch bệnh này.

Kết quả nghiên cứu riêng rẽ của các nhóm nghiên cứu Nhật Bản và Mỹ cho thấy virus cúm mới là một virus phức tạp, được hình thành trên cơ sở 4 loại virus khác nhau gồm virus cúm gia cầm, virus cúm ở người và 2 loại virus cúm lợn.

Nhóm các nhà khoa học Nhật Bản, trong đó có ông Kuniaki Nerome, Giám đốc Viện các nguồn tài nguyên sinh vật (IBR) ở tỉnh Okinaoa, đã phát hiện ra rằng trong số 6 phân tử RNA (ribonucleic acid) thừa kế từ các virus cúm lợn ở Bắc Mỹ, có 1 RNA được tạo ra từ virus cúm ở người, hai từ virus cúm gia cầm và 3 từ các virus cúm lợn ở Bắc Mỹ.

Trong khi đó, nhóm các nhà khoa học Mỹ, trong đó có các chuyên gia nghiên cứu của Trường Đại học Columbia, đã tiến hành so sánh thông tin về gen giữa virus gây bệnh cúm mới với virus cúm lợn đã được tìm thấy trong các nghiên cứu trước đó.

Kết quả so sánh cho thấy trong số 8 phân tử RNA của virus cúm mới, có 6 RNA được thừa kế từ các virus đã gây bệnh cúm lợn trước đó ở Bắc Mỹ và 2 RNA khác được thừa kế từ chủng virus gây bệnh cúm lợn lai Âu-Á (Eurasian-type) có nguồn gốc ở châu Âu và châu Á.

Các virus gây bệnh cúm lợn và cúm gia cầm thường không lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, các con lợn có thể bị nhiễm bệnh cúm ở người và cúm gia cầm. Khi điều này xảy ra, các virus khác nhau có thể kết hợp để tạo ra nhiều loại biến thể virus khác nhau.

Theo các nhà khoa học Mỹ, nhiều khả năng protein trên bề mặt của virus mới đã biến thể và cho phép virus này lây lan một cách dễ dàng giữa người với người.

Các nhà khoa học hy vọng phát hiện mới sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực vạch ra các biện pháp hiệu quả để phòng ngừa sự lây lan của virus cúm A (H1N1) từ người sang người và chữa trị cho các bệnh nhân của loại cúm mới gây chết người này.

Trong khi đó, các nhà khoa học Anh đã bắt đầu nghiên cứu điều chế một loại vắc xin phòng virus cúm A (H1N1). Các nỗ lực đang được tiến hành tại Viện Tiêu chuẩn sinh học quốc gia NIBSC (Anh), nơi sẽ điều chế một loại vắc xin "hạt giống" mà từ đó các nhà sản xuất có thể nuôi cấy hàng loạt.

Theo các nhà khoa học, chủng "hạt giống" đầu tiên của vắc xin phòng cúm A (H1N1) này sẽ được chế tạo trong vòng 3 đến 4 tuần. Sau đó phải mất 4 hay 5 tháng nữa các nhà sản xuất mới có thể sản xuất vắc xin hàng loạt./.

Theo TTXVN/Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video