Đây là phát hiện quan trọng giúp các nhà khoa học giám sát hiệu quả sự biến đổi gen của virus H5N1 và cảnh báo sớm nguy cơ virus này có những biến đổi để lây nhiễm từ người sang người.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học xuất bản trên mạng hôm 16-3, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) cho biết họ đã xác định được cấu trúc của protein hemagglutinin. Đây là protein cho phép virus cúm gia cầm xâm nhập vào các tế bào chủ, kháng nguyên đầu tiên trên bề mặt virus cúm.
Các nhà nghiên cứu đã chụp hình ảnh và phân tích protein này sau khi phân lập một mẫu virus H5N1 từ một bé trai Việt Nam tử vong vì cúm gia cầm vào năm 2004.
Theo các nhà nghiên cứu, protein hemagglutinin bám trên các thụ quan tế bào khác nhau ở gia cầm và dạng cúm ở người, điều này có thể giải thích vì sao đa số virus cúm gia cầm không lây lan từ người sang người.
Hiện nay, chỉ có 3 loại virus cúm gia cầm có khả năng gây ra đại dịch cúm ở người, đó là H1N1, H2N2 và H3N2. Ba loại virus này đã từng gây ra các đại dịch vào năm 1918, 1957 và 1968 khiến hàng chục triệu người trên thế giới thiệt mạng sau khi hemagglutinin của chúng trở nên thích nghi với cộng đồng con người.
Các nhà khoa học đã phát hiện mặc dù hemagglutinin của virus H5N1 trông rất giống với hemagglutinin của virus H1N1, các biến thể này không tạo ra được loại virus thích hợp với thụ quan của con người.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý một số biến thể này có thể khiến hemagglutinin của virus H5N1 gắn kết với các tế bào biểu mô phổi của con người, khiến cho nó “có chỗ đứng” trong cộng đồng con người.
T.VY