Phát hiện trống đồng ở Bắc Cạn

Việc phát hiện được trống đồng Đông Sơn tại thôn Khau Bang, Bằng Thành - một xã vùng cao thuộc huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) khiến một số nhà khoa học trong nước và quốc tế ngạc nhiên, đặt ra nhiều giả thiết về sự có mặt của con người cũng như các biến động của đời sống lịch sử - văn hóa tại miền đất này thời xa xưa.

Sau khi tái lập tỉnh Bắc Cạn (năm 1997), Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên bàn giao cho ngành Văn hóa tỉnh Bắc Cạn một số hiện vật lịch sử, trong đó có một mặt trống đồng. Hồ sơ kèm theo hiện vật này không đầy đủ, thông tin ít ỏi là cổ vật này được phát hiện tại địa bàn xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới.

Tháng 11/2012, trong khi thi công làm đường liên thôn qua địa phận thôn Khau Bang, xã Bằng Thành, công nhân của Công ty cổ phần Cầu đường 17 phát hiện được một chiếc trống đồng. Theo mô tả, cổ vật này nằm ngửa, ở độ sâu khoảng một mét trên một sườn đồi thấp gần khe nước nhỏ. Sau khi được phát hiện, cổ vật đã được các cấp, ngành chức năng bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Bắc Cạn để bảo quản, trưng bày và nghiên cứu.


Trống đồng được phát hiện ở vùng cao huyện Pác Nặm, hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Bắc Cạn.

Mặc dù các họa tiết trên mặt trống không còn sắc nét, rõ ràng như mặt trống đồng phát hiện tại xã Nông Hạ, nhưng trống đồng phát hiện Khau Bang còn giữ được hình dáng tương đối. Trống có hình dáng cân xứng, lưng hình trụ, chân hơi loe hình nón đã bị gẫy ở phần dưới, có chiều cao còn lại đo được 39cm, đường kính mặt trống 66,5cm, có dấu vết mòn do tác động của dùi trống ở tâm.

Các họa tiết không còn sắc nét, song vẫn quan sát được hình ngôi sao nổi 12 cánh ở giữa mặt trống, từ tâm mặt trống ra ngoài có 16 vòng hoa văn hình tròn đồng tâm xen kẽ với một số họa tiết khác như hình người trang sức lông chim cách điệu... Phần thân trống bị vỡ một mảng lớn. Tang trống cũng được trang trí rất đẹp mắt bằng nhiều băng hoa văn giống như trên mặt trống.

Phần chân trống bị gẫy nhiều chỗ, được trang trí bằng 4 băng hoa văn vạch khắc song song và hình chữ V lồng. Trống có 4 quai, xếp thành từng đôi, trang trí hoa văn hình dây thừng.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học, chiếc trống đồng được phát hiện tại Khau Bang mang nhiều đặc trưng của trống đồng Đông Sơn muộn. Chiếc trống này có nhiều đặc điểm tương tự như các trống đồng Hích (Thái Nguyên), trống Na Dương (Lạng Sơn), trống Hà Giang I. Các hoa văn thể hiện trên trống được tạo bằng kỹ thuật đúc khá điêu luyện.

Anh Hoàng Văn Hạnh, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Cạn cho biết: Khi dự một hội thảo tại Kazakhstan, các nhà khoa học quốc tế đã bất ngờ và thú vị khi được giới thiệu về việc phát hiện được trống đồng Đông Sơn muộn tại Pác Nặm - một huyện vùng cao cách thị xã Bắc Cạn khoảng 100km về phía tây bắc. Điều này đặt ra nhiều giả thiết về sự di chuyển, phát triển, giao lưu, kế thừa văn hóa giữa các tộc người vùng đồng bằng và miền núi từ thời xa xưa.

Trên địa bàn huyện Pác Nặm còn có thông tin người dân tìm được một số hiện vật như mũi tên đồng, rìu đồng… Tuy nhiên, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Cạn hiện chưa tiếp cận được để xác minh, nghiên cứu cụ thể. Có thể nói trống đồng Đông Sơn được tìm thấy tại Pác Nặm là một hiện vật quý giá để các nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của miền đất Bắc Cạn từ hàng nghìn năm trước.

Theo Nhân Dân
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video