Phát hiện trứng khủng long 60 triệu năm chứa đá mã não

Các nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên phát hiện một khối mã não 15cm thực chất là trứng khủng long titanosaur hóa thạch.

Năm 1883, một khối đá mã não được đưa vào bộ sưu tập khoáng vật học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại London, Anh. Rộng khoảng 15 cm, mẫu vật gần như tròn trịa nằm trong bộ sưu tập suốt 175 năm cho tới khi phát hiện tình cờ hé lộ đó là một quả trứng khủng long, IFL Science hôm 31/3 đưa tin.


Khối đá mã não bên trong quả trứng khủng long 60 triệu năm. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên).

Mẫu vật có màu hồng nhạt đẹp mắt bên ngoài và màu trắng ở trong, thu hút sự chú ý của Robin Hansen, một trong những quản lý khoáng vật ở bảo tàng. Hansen tham gia chuẩn bị mẫu vật để trưng bày vào năm 2018. Sau đó, một buổi giới thiệu khoáng vật ở Pháp góp phần hé lộ tầm quan trọng của khối đá. Một người bán hàng đưa cho Hansen xem quả trứng khủng long hóa thạch hình tròn với phần vỏ mỏng và đá mã não ở chính giữa. Bà lập tức liên hệ với mẫu vật đang trưng bày ở bảo tàng.

Các chuyên gia về khủng long của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quyết định chụp cắt lớp vi tính (CT) mẫu vật để xem xét những manh mối họ có thể tìm ra. Mật độ của đá mã não khiến bản chụp CT không thể thu được chi tiết nhỏ hơn. Mặt khác, nhóm nghiên cứu nhận thấy lớp mỏng bao quanh khối mã não trông giống lớp vỏ.

Ngoài ra, mẫu vật được thu thập ở Ấn Độ. Kích thước, hình dáng và đặc điểm bề mặt của nó tương tự mẫu vật trứng titanosaur từ Trung Quốc và Argentina. Các nhà nghiên cứu ước tính quả trứng có niên đại 60 triệu năm khi titanosaur là loài khủng long phổ biến nhất sống ở Ấn Độ. Dù có kích thước khổng lồ, titanosaur chỉ đẻ ổ trứng khoảng 30 - 40 quả và không chăm sóc con non.

"Mẫu vật này là một ví dụ hoàn hảo về tầm quan trọng của bộ sưu tập trong bảo tàng. Nó từng được phân loại là đá mã não vào năm 1883. Mãi tới giờ, chúng tôi mới nhận ra đá mã não lấp đầy cấu trúc hình tròn là trứng khủng long", Hansen chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng điều này xảy ra do hoạt động núi lửa khiến quả trứng bị bao bọc bởi đá cứng lại sau vụ phun trào. Cấu trúc bên trong bị phân hủy và nước giàu silic thấm xuyên qua lớp đá vào trong quả trứng, tạo thành mẫu vật mã não sọc như ngày nay.

Cập nhật: 09/04/2023 VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video