Phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu

Thời gian qua, sự xuất hiện của các trường hợp viêm màng não, trong đó có những ca do vi khuẩn màng não cầu, còn gọi là viêm màng não do não mô cầu (VMNMC) ở một số tỉnh phía Nam đã gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Nhận biết viêm màng não do não mô cầu

Đây là một bệnh truyền nhiễm của người, có thể gây thành dịch, nhất là ở trẻ em và thanh niên. Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng.

Hình ảnh vi khuẩn màng não mô cầu (Ảnh: TTO)
Bệnh lây theo đường hô hấp, trong khả năng ít hơn có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với bàn tay, vật dụng cá nhân bị nhiễm vi khuẩn từ bệnh phẩm của bệnh nhân. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh có miễn dịch với vi khuẩn màng não cầu týp huyết thanh, tuy nhiên thời gian miễn dịch không dài, khoảng 2-3 năm, người đó vẫn có thể tái nhiễm hoặc nhiễm một týp vi khuẩn khác.

Sau khi xâm nhập vào tế bào đường hô hấp trên, gây ra tình trạng viêm mũi họng, người bệnh ho, sốt cao, đau cơ, đau đầu, buồn nôn, có thể bị co giật, giảm trương lực cơ, có biểu hiện của liệt chi, mặt, tri giác giảm... Từ đường hô hấp trên, vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào máu qua hệ bạch huyết, vào khoang não tủy hoặc một số cơ quan khác như khớp, màng tim... gây viêm, đau ở các cơ quan này.

Tùy vị trí xâm nhập, độc lực của vi khuẩn cũng như sức đề kháng của cơ thể mà dẫn đến viêm mũi họng nhẹ tới nhiễm khuẩn huyết đơn thuần hoặc kịch phát gây tử vong. Tỷ lệ tử vong của VMNMC từ 5-10% số mắc, để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh, thẩm mỹ.

VMNMC ở nước ta hiện nay chưa xuất hiện thành dịch

VMNMC xuất hiện ở tất cả các vùng miền của nước ta, chủ yếu là miền Bắc, nhất là vào mùa đông xuân và cuối thu đầu đông, do thời tiết lạnh ẩm đi cùng với mùa của những bệnh truyền nhiễm khác do vi khuẩn và virut. Ở miền Nam, bệnh ít gặp hơn, số mắc bệnh thường tăng lên vào khoảng tháng 5 đến tháng 7. Bệnh thường gặp ở trẻ em và những người trẻ tuổi sống tập trung ở ký túc xá, trường học, trại tân binh hay những khu đông dân cư có đời sống kém vệ sinh.

Cho đến nay hệ thống giám sát và báo cáo dịch bắt buộc của Bộ Y tế mới chỉ xác định số mắc viêm màng não nói chung, thường gọi dưới tên Hội chứng viêm màng não mà chưa tách riêng những thể bệnh do những nguyên nhân khác nhau, kể cả VMNMC.

Trong những tháng cuối năm 2005, đầu 2006, số mắc hội chứng viêm màng não có chiều hướng tăng nhẹ so với cùng thời gian năm trước trên địa bàn cả nước ta. Trên toàn miền Bắc, thời gian này trung bình có từ 20-30 ca viêm màng não/tháng được khai báo. Tại Bệnh viện Nhi trung ương và Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trong 11 tuần đầu năm 2006 đã vượt ngưỡng 100 ca, chủ yếu là trẻ em.

Tại các tỉnh miền Nam, số mắc hội chứng viêm màng não trung bình từ 5-10 trường hợp/tháng, riêng trong tháng 2 vừa qua số mắc được khai báo là 20 trường hợp và đã có trường hợp tử vong. Trong tháng 3, miền Nam xuất hiện viêm màng não - viêm não mà tác nhân có thể là virut đường ruột.

Tuy số mắc viêm màng não có phần tăng cao trong cả nước thời gian qua nhưng chưa phát thành dịch, do hầu hết các ca bệnh có tính tản mát địa phương. Riêng số mắc VMNMC chỉ vài trường hợp. Điều này càng xác định rõ hơn viêm não nói chung và VMNMC nói riêng chưa xuất hiện thành dịch.

Nguyên nhân của sự gia tăng bệnh trong thời gian gần đây chủ yếu do thời tiết khí hậu đông xuân năm nay có nhiều điểm bất thường không có lợi cho sức khỏe con người. Miền Nam đang ở mùa khô nhưng sau Tết xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Hơn thế nữa, đây là thời điểm có sự biến động dân cư cao giữa các vùng miền vì lễ hội, du lịch...

Các xét nghiệm cho thấy chưa có sự biến đổi về tính chất sinh vật, hóa học và độc lực của các chủng vi khuẩn gây bệnh từ các mẫu bệnh phẩm.

Hạn chế sự gia tăng của bệnh như thế nào?

Các tuyến y tế dự phòng cần tăng cường công tác giám sát bệnh nhân có hội chứng viêm màng não - viêm não, đặc biệt ở những vùng có bệnh nhân VMNMC được xác định. Viêm màng não có thể do nhiều tác nhân, vì vậy bên cạnh công tác chẩn đoán bệnh theo triệu chứng lâm sàng cần lấy được bệnh phẩm như nhày họng, máu ven hay dịch não tủy đưa tới các phòng xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Nếu phát hiện có ca VMNMC cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp kiên quyết và khẩn trương khoanh vùng, dập tắt ổ dịch càng sớm càng tốt.

Đối với người dân, phải duy trì nếp sống vệ sinh, giữ môi trường sống sạch sẽ, vì tác nhân gây viêm màng não có thể qua đường hô hấp, tiêu hóa hay tiếp xúc với đồ vật nhiễm khuẩn. Riêng đối với VMNMC, ngoài biện pháp giữ vệ sinh môi trường thường xuyên thông thoáng, nhiều ánh sáng, cần duy trì vệ sinh răng miệng, hầu, họng.

Khi bị viêm đường hô hấp trên có các biểu hiện của VMNMC, cần đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế. Nếu trong tập thể xuất hiện VMNMC được xác định, cần hạn chế tụ họp, mọi người thực hiện đeo khẩu trang phòng bệnh. Ngoài ra có thể tổ chức uống kháng sinh dự phòng khẩn cấp theo chỉ định của bác sĩ.

Hiện nay, đã có vắcxin phòng VMNMC týp A và C, nhưng thời gian bảo vệ thấp (2-3 năm) và giá thành cao nên chỉ dùng cho những người đang sống trong vùng có nguy cơ dịch bệnh.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video