Trước nay, chúng ta vẫn tưởng viêm màng não là do virus, nhưng thực sự viêm màng não còn có một nguyên nhân khác là do giun.
Loại giun này có tên khoa học là Angiostrongylus cantonensis, là loài giun thân tròn, sống ký sinh, trong giai đoạn ấu trùng chúng sống ở nơi các loài thuỷ sản như ốc, thường gặp ở ốc bươu, ốc ma. Khi trưởng thành chúng chuyển sang sống ký sinh nơi các vật chủ như ếch, chuột...
Angiostrongylus cantonensis di chuyển theo đường ruột, vào máu, qua tim rồi lên khu trú ở não. Có khi chúng cũng xâm nhập vào mắt (nhãn cầu) gây bong võng mạc. Đề tài nghiên cứu Hoàn chỉnh bộ sinh phẩm Elisa dùng trong chẩn đoán bệnh viêm não - màng não do Angiostrongylus cantonensis của PGS-TS Lê Thị Xuân, Đại học Y dược TP.HCM nhằm phục vụ cho việc chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Theo phát hiện của nhóm nghiên cứu, viêm màng não do Angiostrongylus cantonensis đã có mặt tại Việt Nam từ rất lâu mà ca điển hình là tại Sài Gòn năm 1965. Tại Hà Nội, từ năm 2004 đến nay đã có 8 ca (7 trẻ em và 1 người lớn). Năm 2006, tại Bệnh viện Mắt đã phát hiện 4 ca bị loại giun này chui vào mắt. Và mới đây, 2007, một bệnh nhi bị viêm màng não do giun này từ Sóc Trăng chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã bị tử vong do phát hiện muộn.
Theo ý kiến của các nhà khoa học, đây là một công trình có tính thực tiễn, có lợi ích thiết thực cho chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, vì sẽ giúp điều trị kịp thời và hiệu quả cho bệnh nhân, giảm các di chứng về sau và nếu sản xuất thành công sẽ giúp chủ động được nguồn cung cấp cũng như giá thành.
Sinh trùng Angiostrongylus cantonensis ký sinh trên ốc
(Ảnh: medscape.com)
B.K.S