Thảm kịch hạt nhân Chernobyl tồi tệ nhất trong lịch sử ngành năng lượng nguyên tử vô tình đã tạo nên một phòng thí nghiệm về phóng xạ cho các nhà khoa học, hạt nhân. Và sau hơn 20 năm, nơi đây vẫn còn tiềm ẩn nhiều điều bất ngờ.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - Ảnh: Wired Science
Việc tái định cư ở các vùng xung quanh nơi xảy ra thảm kịch sẽ phải đợi thêm một thời gian dài nữa. Theo một báo cáo mới đây tại Hiệp hội Địa vật lý Hoa Kỳ, hàm lượng phóng xạ Cesi (Cs) không biến mất nhanh như người ta dự đoán. Chu kì bán rã của Cesi 137 – khoảng thời gian để một nửa khối lượng vật chất Cesi 137 phân rã – là 30 năm, nhưng hàm lượng Cesi tìm thấy trong đất gần Chernobyl giảm với tốc độ chậm hơn rất nhiều.
Các nhà khoa học chưa thể lí giải được hiện tượng trên, nhưng họ đã tính được “chu kì bán rã sinh thái” – thời gian để một nửa số vật chất biến mất trong điều kiện môi trường - là vào khoảng 180 đến 320 năm.
“Bình thường thì bạn nghĩ là cứ sau 30 năm, tình hình sẽ bớt tồi tệ đi một nửa. Thế nhưng điều đó lại không phải” – Tim Jannick, thành viên của Savannah River National Laboratory và là một trong những người tham gia nghiên cứu, cho hay “sẽ còn rất lâu trước khi có thể tái định cư tại khu vực này”.
Năm 1986, hàng loạt các khu thí nghiệm đã được thành lập ngay sau vụ nổ. Mẫu vật được đào lên từ các độ sâu khác nhau để tính toán khả năng xâm nhập vào mặt đất của các đồng vị Stronti (Sr), Cesi và Plutoni (Pu). Những đo đạc như vậy đã được tiến hành trong suốt hơn 20 năm qua, đem lại cái nhìn chính xác nhất về sự biến đổi của phóng xạ trong điều kiện tự nhiên.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau vụ nổ - Ảnh: International Daily Newswire
Kết quả thí nghiệm thực sự bất ngờ, bởi các nhà khoa học hi vọng rằng chu kì bán rã sinh thái, do có tác động phân tán của tự nhiên, sẽ ngắn hơn so với chu kì bán rã vật lý. Các mẫu vật sẽ chứa ít hàm lượng chất phóng xạ hơn, và điều đó đúng với Strongti. Tuy nhiên, điều hoàn toàn ngược lại lại xảy ra đối với Cesi.
Các đặc điểm vật lý của Cesi vẫn không thay đổi, do vậy các nhà khoa học cho rằng chỉ có thể do các yếu tố môi trường. Đó có thể là do các nguồn cesium mới “di chuyển” vào gần khu vực Chernobyl, hoặc có thể do Cesi trồi lên từ sâu trong lòng đất. Và tiến sỹ Jannick hi vọng các nghiên cứu tiếp theo sẽ hé mở bí ẩn này:
“Có rất nhiều điều chưa biết có thể gây ra hiện tượng này” - ông nói.
Bên cạnh tác động đối với xã hội, công trình nghiên cứu còn nhấn mạnh sự bất ổn định liên quan đến ô nhiễm phóng xạ. Một điều may mắn cho loài người là những vùng như Chernobyl rất hiếm, nhưng điều đó cũng có nghĩa là có rất ít nguồn dữ liệu về mức độ ảnh hưởng thực sự của phóng xạ trong tự nhiên.
“Các dữ liệu từ Chernobyl sẽ giúp hoàn thiện các mô hình giả thiết, và đấy là những gì tốt nhất chúng ta có thể thu được từ chúng”.