Bụi phóng xạ từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986 vẫn tồn tại trong thực phẩm ở miền bắc Ukraina, Tổ chức Hòa bình xanh khẳng định hôm qua.
Quang cảnh nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ngày nay. Ảnh: AP.
Tổ chức Hòa bình xanh vừa công bố kết quả điều tra nông phẩm tại nhiều chợ ngoại ô hai thành phố Zhytomyr và Rivne ở phía bắc Ukraina, AFP đưa tin. Các xét nghiệm cho thấy cesium 137, chất phóng xạ có thể tích tụ trong sinh vật tới 30 năm, tồn tại trong các mẫu sữa, nấm khô và các quả mọng với nồng độ vượt mức cho phép.
Báo cáo của Hòa bình xanh được công bố ngay trước dịp kỷ niệm 25 năm ngày thảm họa xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thị trấn Pripyat, Ukraina. Mục đích của Hòa bình xanh là giúp thế giới thấy rõ những lỗ hổng trong hoạt động kiểm tra thực phẩm tại những vùng nông thôn từng hứng chịu bụi phóng xạ.
Việc phân tích thực phẩm tại hai vùng Zhytomyr và Rivne từng được tiến hành đều đặn, song đã chấm dứt từ hai năm trước, bà Iryna Labunska, trưởng nhóm tác giả của bản báo cáo, cho biết. Labunska hiện là nhà khoa học của Đại học Exeter ở miền tây nam Anh.
Chất phóng xạ Cesium 137 được tìm thấy trong các loại quả mọng ở hai thành phố phía bắc Ukraina. Ảnh: in.com.
“Cesium 137 vẫn là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Chính phủ Ukraina đã tỏ ra vội vàng khi chấm dứt chương trình kiểm tra thực phẩm”, Labunska bình luận.
Thảm họa nguyên tử Chernobyl, xảy ra vào ngày 26/4/1986, được coi là vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Do nhà máy không có tường chắn, đám mây bụi hạt nhân lan ra nhiều vùng ở phía tây Liên Xô cũ, Đông Âu, Tây Âu, Anh. Thậm chí bụi phóng xạ còn bay sang tận phía đông nước Mỹ. Thảm họa tạo ra lượng bụi phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945.
Miền tây và miền nam Ukraina không hứng chịu bụi phóng xạ từ thảm họa Chernobyl.