"Họ không sống trong những cộng đồng cách ly", Allison, người đã nghiên cứu dấu tích từ các pháo đài thuộc thế kỷ 1-2 tại mặt trận phía tây của đế chế La Mã, nói.
"Đã có rất nhiều phụ nữ sống trong pháo đài, có thể là các bà vợ, trông coi cửa hàng, làm nghề thủ công, buôn bán".
Những người lính La Mã bình thường vốn không được phép có vợ và từ lâu người ta vẫn tin rằng chỉ có những sĩ quan cao cấp mới được đưa vợ vào trong pháo đài. "Bất cứ người phụ nữ nào khác, cho dù là vợ, tỳ thiếp hay gái điếm đều không được phép sống trong pháo đài, bởi người ta lo rằng đàn bà sẽ làm hỏng kỷ luật quân sự", Allison cho biết.
Nhưng mặc dù thành Rome cấm các binh lính thường dân không được cưới vợ, sự thực lại rất khác ngoài mặt trận. Trong một nghiên cứu riêng, Allison đã phân tích các mẫu vật được tìm thấy tại pháo đài minh chứng sự xuất hiện của phụ nữ.
"Sự có mặt của các vật thể bị vứt bỏ nói lên rất nhiều về những nơi mọi người từng đi và hoạt động", Allison nói. Bằng phần mềm máy tính, bà đã lập bản đồ về sự phân bố của hơn 30.000 tạo vật.
Bà đã tìm thấy những vật dụng do phụ nữ sử dụng, như cặp tóc, tràng hạt, lọ nước hoa và bánh xe quay tơ vứt rải rác trong các công trình và dọc theo con đường trong pháo đài. "Họ thường nhóm lại tại các khu vực khác nhau trong pháo đài", Allison nhận định.
Vị trí của những vật dụng này cho thấy phụ nữ có một cuộc sống năng động trong thành luỹ, nơi được coi là một thị trấn sầm uất hơn là một pháo đài trơ trọi toàn đàn ông.
"Phụ nữ đã thực sự tham gia vào cuộc sống trong pháo đài, đóng vai trò hữu ích như người vợ, người mẹ, thợ thủ công và người buôn bán", Allison kết luận.
M.T.