Phục tráng thành công giống cói bông trắng ở Nga Sơn

Đề tài khoa học "Nghiên cứu phục tráng giống cói bông trắng tại huyện Nga Sơn, Thanh Hoá" do Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa phối hợp với trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội triển khai từ năm 2008 đến nay đã đạt kết quả khả quan.

Các đơn vị thực hiện đề tài đã tuyển chọn được giống cói bông trắng dạng đứng có độ thuần cao để đưa vào phục tráng theo quy trình nuôi cấy In vitro và In vivo. Đề tài cũng xây dựng được bản hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc giống cói bông trắng và xây dựng được vườn ươm cây giống có diện tích 500m2 và tập đoàn cây giống gốc lưu giữ dưới dạng cây In vitro.

Trên địa bàn huyện Nga Sơn có hai giống cói phổ biến là cói bông nâu và cói bông trắng. Cả hai giống cói này đều gắn bó người dân từ rất lâu, trong đó cây cói bông trắng có nhiều ưu điểm như năng suất cao, phẩm chất tốt hơn cói bông nâu, quá trình sinh trưởng, phát triển lại thích hợp với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Nga Sơn.

Cói bông trắng có nhiều ưu thế vượt trội so với giống cói khác như: thân cói màu xanh, khi chẻ đem phơi sợi cói trắng, óng mượt, dẻo, dai, đẹp và bền, giữ màu tốt nên khách hàng rất ưa chuộng những sản phẩm làm từ loại cói này. Tuy nhiên trong nhiều năm qua do tác động của thị trường tiêu thụ không ổn định, người trồng cói không mặn mà với cây cói, quy trình trông và chăm sóc không đảm bảo kỹ thuật khiến cho các giống cói ở Nga Sơn bị thoái hoá nghiêm trọng.

Để bảo tồn và phát triển nghề trồng cói và chế biến cói, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa và trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã chọn 6 xã có kinh nghiệm trồng và thâm canh cói giỏi để thực hiện đề tài.

Ông Mai Văn Ban, hộ trồng cói ở xã Nga Thái, cho biết: Thực hiện dự án phục tráng giống cói bông trắng, nông dân được hỗ trợ 8 triệu đồng/ha, được tham gia các lớp tập huấn tiếp nhận kỹ thuật thâm canh mới. Thế mạnh của cây cói này là năng suất cao, ít sâu bệnh, không bị nhuốm vàng khi trời mưa nhiều. Năm nay, thời tiết thuận lợi, lại được chăm bón tốt nên năng suất bình quân cao hơn mọi năm, đạt 5 tạ/sào. Giá cói 10.000 -12.000 đồng/kg, thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/sào.

Đề tài “Phục tráng cói bông trắng” đã giúp nông dân vùng cói Nga Sơn từng bước nâng cao kỹ thuật thâm canh, năng suất cây cói tăng nhanh.

Sau gần 4 năm thực hiện, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế và xã hội. Tại các xã Nga Thanh, Nga Liên, Nga Thủy diện tích cói bông trắng đã được mở rộng trên 90%, các xã Nga Thái, Nga Tiến, Nga Tân diện tích cói bông trắng cũng đã chiếm 70% trong tổng diện tích trồng cói. Hiện nay diện tích cói ở Nga Sơn đã đạt 3.255ha, năng suất 78 tạ/ha/năm, tổng sản lượng hơn 22.588 tấn/năm.

Kết quả của đề tài có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nghề trồng cói, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề thủ công chế biến cói ở huyện Nga Sơn và các vùng ven biển Thanh Hoá.

Theo Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video