Bí ẩn về cách bơi của quy long (Plesiosaur), sinh vật cổ đại có thân hình độc đáo, được các nhà khoa học giải mã sau gần hai thế kỷ tranh cãi.
Reuters cho hay, quy long, loài bò sát cổ đại tung hoành trong lòng đại dương trong thời kỳ khủng long thống trị mặt đất, có kiểu bơi của chim cánh cụt.
Quy long có cấu trúc cơ thể đặc biệt với thân bè rộng, gần giống thân rùa, bốn chân chèo to lớn và cái cổ dài khác thường. Chúng sống trong lòng đại dương cách đây từ 200 triệu năm tới 66 triệu năm và biến mất vào thời kỳ đại diệt chủng đã xóa sổ khủng long khỏi Trái Đất.
Trong nghiên cứu công bố trên PLOS Computational Biology hôm 17/12, các nhà khoa học cho biết quy long cử động các chân chèo tương tự động tác "đập cánh bay" dưới nước.
Đi tìm lời giải cho tranh cãi kéo dài gần 200 năm, các nhà nghiên cứu tiến hành chuỗi thí nghiệm mô phỏng dựa trên bộ xương loài quy long Meyerasaurus có niên đại 180 triệu năm và tìm ra cách thức bơi hiệu quả nhất ứng với tổ chức cơ thể độc đáo của chúng. Theo đó, phương pháp cho tốc độ bơi về trước nhanh nhất là đập hai chân chèo trước lên xuống đồng bộ, giống như kiểu bơi của chim cánh cụt và rùa biển.
Bản sao loài Plesiosau r có tên "Tuarangisaurus Cabazai" làm từ bột nhựa tổng hợp polyurethane được ghi lại tại Bảo tàng Khoa học tự nhiên Argentina, tại thủ đô Buenos Aires vào ngày 1/7/2013. (Ảnh: Reuters).
"Điều bất ngờ là trong tất cả cử động mô phỏng cho hai chân chèo sau, về căn bản chúng không góp phần vào hoạt động đẩy thân về trước", Greg Turk, giáo sư khoa học máy tính Học viện Công nghệ Georgia, Mỹ cho hay.
Thay vào đó, chi sau có thể đóng vai trò dẫn đường và duy trì sức bền cho vận động dưới nước của quy long, các nhà nghiên cứu cho hay.
Quy long có bề ngoài giống với những mô tả về Nessie, thủy quái bí ẩn hồ Loch Ness, nên được mệnh danh là quái vật Loch Ness cổ đại. Chúng ăn cá, mực để tồn tại và đa dạng về hình dạng, kích thước.
Một số loài quy long có cổ ngắn, trong khi đó số khác lại sở hữu chiếc cổ dài như Elasmosaurus, loài có chiều dài 14m.
Meyerasaurus, loài quy long có bộ xương được sử dụng trong thí nghiệm mô phỏng, được khai quật tại Đức, có chiều dài 3m.
Theo giáo sư Turk, quy long là một tập hợp các sinh vật săn mồi cổ đại to lớn có hiệu quả cao. Tuy nhiên, trước đây cách quy long bơi với thân hình khác thường là một bí ẩn.
Hóa thạch quy long được mô tả lần đầu năm 1824. Kể từ đó, giới khoa học liên tục tranh cãi về kiểu vận động của loài sinh vậy này dưới biển.
"Kiểu bơi của quy long là một bí ẩn trong gần 200 năm bởi rất khó để xác định một sinh vật đã tuyệt chủng với cấu trúc cơ thể độc nhất như vậy di chuyển thế nào", nhà cổ sinh vậy học Adam Smith từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Nottingham, Anh cho hay.
Trước đây, một số giả thuyết khả dĩ được đưa ra, Smith nói thêm. Vài nhà nghiên cứu đoán rằng quy long có thể bơi dưới nước chủ yếu bằng cách quạt các chân chèo về trước và sau, giống như mái chèo.
Cách thức bơi như "bay" dưới nước của quy long theo khẳng định của nghiên cứu mới là khá khác thường, chuyên gia Smith nhận xét. Ông giải thích, hầu hết các động vật bơi lội, gồm phần đông loài cá và cá voi, có xu hướng sinh lực đẩy thân về trước bằng đuôi.
"Quy long quả thật là một sinh vật kỳ lạ và độc đáo", Smith kết luận.