Quy trình giải mã hộp đen máy bay Trung Quốc rơi

Thiết bị ghi âm buồng lái máy bay MU5735 sẽ được bóc lớp bảo vệ, tải dữ liệu thô và phân tích để tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn.

Giới chức Trung Quốc hôm 23/3 cho biết đã tìm thấy một trong hai hộp đen của máy bay MU5735 thuộc hãng hàng không China Eastern Airlines chở 132 người lao xuống sườn núi hôm 21/3.

Hộp đen được tìm thấy là thiết bị ghi âm buồng lái, theo một quan chức Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc. Ông này nói thêm thiết bị nhìn có vẻ bị hư hỏng nặng bên ngoài, nhưng bộ phận lưu dữ liệu còn tương đối nguyên vẹn. Giới chức Trung Quốc cho hay cả hai hộp đen máy bay MU5735 đều do hãng HoneyWell sản xuất, nhưng không nêu cụ thể số model.


Lực lượng tìm kiếm phát hiện hộp đen chứa dữ liệu ghi âm buồng lái chuyến bay MU5735 hôm 23/3. (Ảnh: CFP)

"Bộ phận lưu trữ tương đối nguyên vẹn, cho thấy nhiều khả năng dữ liệu vẫn được bảo toàn. Dữ liệu này sẽ cung cấp bằng chứng để điều tra nguyên nhân tai nạn, đồng thời đóng vai trò quan trọng để đưa ra báo cáo phân tích đáng tin cậy", Wang Yanan, tổng biên tập tạp chí Kiến thức Hàng không có trụ sở tại Bắc Kinh, nói hôm 23/3.

Trên thực tế, hộp đen máy bay không phải màu đen như tên gọi, mà thường được sơn màu cam nổi bật. Các chuyên gia vẫn tranh cãi về nguồn gốc tên gọi "hộp đen", nhưng đều nhất trí rằng đây là manh mối quan trọng để giúp các điều tra viên đưa ra đánh giá khách quan về nguyên nhân máy bay gặp nạn.

Được cho là do nhà khoa học người Australia David Warren phát minh vào thập niên 1950, hộp đen ngày nay là trang bị bắt buộc trên mọi chuyến bay, với mục đích lưu trữ dữ liệu hành trình bay cùng các đoạn trao đổi của phi công và âm thanh buồng lái. Mục đích của chúng không phải để truy trách nhiệm, mà nhằm đúc rút kinh nghiệm từ các sự cố, ngăn ngừa tai nạn trong tương lai.

Mỗi hộp đen có trọng lượng khoảng 4,5 kg và gồm 4 phần chính: Phần khung bên ngoài bao bọc thiết bị, bộ phát tín hiệu định vị dưới nước, phần lõi làm bằng thép không gỉ hoặc titan có khả năng chịu va đập cao, phía trong chứa những chip nhớ gắn trên các bảng mạch có kích cỡ bằng ngón tay để lưu dữ liệu.

Các hộp đen chịu được lực tác động gấp 3.400 lần so với khối lượng của chúng, nghĩa là có thể gần như "sống sót" trong mọi trường hợp máy bay bị phá hủy. Hộp đen trên thực tế gồm hai thiết bị riêng biệt: Bộ ghi âm buồng lái (CVR), ghi lại giọng nói phi công, các âm thanh trong buồng lái, và bộ ghi dữ liệu hành trình bay (FDR).

Để có được thông tin từ hộp đen, các kỹ thuật viên sẽ phải bóc các lớp vật liệu bảo vệ và cẩn thận làm sạch các cổng kết nối, đảm bảo không vô tình xóa mất dữ liệu. Sau đó, các tệp âm thanh, dữ liệu được tải xuống và sao chép lại. Các tệp thô này là vô nghĩa nếu không được giải mã và chuyển thành dạng biểu đồ.

Các nhà điều tra đôi khi sử dụng phương pháp phân tích quang phổ nhằm phát hiện những âm thanh báo động rất nhỏ hoặc tiếng động thoáng qua đầu tiên của một vụ nổ được CVR ghi lại.

Dung lượng lưu trữ dữ liệu của hộp đen tùy thuộc vào từng mẫu thiết bị của HoneyWell. Theo ghi nhận gần nhất về vụ rơi máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Air India Express năm 2020, cùng mẫu với máy bay hãng China Eastern Airlines, CRV có khả năng ghi lại âm thanh kỹ thuật số trong 120 phút, thừa thời gian để ghi lại hành trình bay dài 66 phút của MU5735 trước khi gặp nạn. Thiết bị FDR trên máy bay Air India Express đã ghi lại toàn bộ dữ liệu bay trong 25 tiếng.

Zhu Tao, quan chức cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc, cho biết hộp đen đang được gửi đến cơ quan giải mã ở Bắc Kinh. Thời gian giải mã và phân tích dữ liệu sẽ phụ thuộc vào tình trạng của hộp đen sau cú va chạm.

Báo cáo sơ bộ về tai nạn máy bay thường được công bố sau một tháng, nhưng rất ít thông tin. Các cuộc điều tra sâu hơn thường mất một năm hoặc lâu hơn để tìm ra nguyên nhân cụ thể của sự cố, vì tai nạn hàng không thường do nhiều yếu tố tổng hợp gây ra.

Các điều tra viên và chuyên gia hàng không nhận định khi chưa giải mã được hộp đen, giới chức sẽ khó tìm hiểu được nguyên nhân chiếc Boeing 737-800 lao xuống mặt đất ở phương gần như thẳng đứng với tốc độ hơn 560 km/h, sau đó chững lại, lấy lại độ cao, rồi tiếp tục lao xuống vùng núi ở tỉnh Quảng Tây, phía nam Trung Quốc.

Tai nạn thảm khốc khiến chiếc máy bay vỡ tan thành hàng nghìn mảnh nhỏ. Giới chức Trung Quốc đến nay chưa tìm thấy dấu hiệu có người sống sót trong thảm kịch.

Cập nhật: 25/03/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video