Quy trình nuôi cấy nhộng trùng thảo ở Trung Quốc

  •  
  • 1.458

Các nhà khoa học Trung Quốc xây dựng quy trình nuôi trồng sản phẩm thay thế đông trùng hạ thảo trong phòng thí nghiệm.

Đông trùng hạ thảo được coi là một đặc sản quý hiếm và đắt tiền ở Trung Quốc. Vì nguồn cung cấp sản vật này trong tự nhiên rất hạn chế, các nhà khoa học Trung Quốc từ năm 1986 đã phát triển mô hình nuôi cấy sản phẩm nhộng trùng thảo giá thành rẻ để thay thế.

Trong phóng sự được thực hiện năm 2012, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã mô tả quy trình nuôi cấy nhộng trùng thảo nhân tạo trong phòng thí nghiệm.

Bà Quách Anh Lan, thư ký hiệp hội Nấm Trung Quốc, chuyên viên Viện Vi sinh vật, cho biết Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu và nuôi trồng nhân tạo nhộng trùng thảo sau khi phân lập được bào tử nhộng trùng thảo từ tự nhiên.

Ban đầu, nhộng trùng thảo được nuôi trồng bằng cách cấy bào tử lên nhộng bướm. Sau này, các nhà khoa học tìm được cách nuôi trồng bắc trùng thảo trên lúa gạo hoặc lúa mì trong thời gian 30-40 ngày, góp phần hạ giá thành sản phẩm xuống đáng kể.

Nhộng trùng thảo có thể nuôi trồng nhân tạo với quy mô lớn, giá thành thấp.
Nhộng trùng thảo có thể nuôi trồng nhân tạo với quy mô lớn, giá thành thấp.

Theo giáo sư Thẩm Nam Anh, đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis) là loài nấm chỉ sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên ở vùng cao nguyên Thanh Tạng trong thời gian ngắn. Trong khi đó, nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris), hay còn gọi là bắc trùng thảo, trùng thảo hoa, có thể nuôi trồng nhân tạo với quy mô lớn, giá thành thấp.

Trong khi đông trùng hạ thảo có giá vài nghìn USD/kg thì nhộng trùng thảo chỉ vài chục USD một kg.

Cập nhật: 27/06/2017 Theo VnExpress
  • 1.458