Mang răng giả không phải là an toàn như nhiều người vẫn tưởng vì sau một thời gian, nó có thể là tác nhân gây ra u, bướu. Mỗi tháng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM tiếp nhận 20 ca bệnh này. Nếu không phát hiện kịp, u có thể dẫn đến ung thư.
(Ảnh: creax.com) |
Nghĩ là do sưng chân răng, chị Hằng tự mua thuốc uống, nhưng không hết. Lúc đến nha sĩ khám, răng giả được tháo ra, chị mới biết mình mang một khối u quá lớn nằm ngay trước miệng. Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt, chị được chẩn đoán là có u phì đại do nhiễm trùng răng giả.
Cùng ngày, Bệnh viện Răng Hàm Mặt tiếp nhận một ca u phì đại do sâu răng. Bác sĩ Hứa Thị Xuân Hòa, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết cơ sở này gặp rất nhiều trường hợp có khối u như vậy. Ước tính mỗi tháng, khoa Phẫu thuật miệng điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân có u phì đại. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như nhiễm trùng răng giả, sâu răng, chấn thương khớp cắn (răng lệch, dị dạng)...
Theo bác sĩ Trần Xuân Thắng, khoa Phẫu thuật miệng, những người làm răng giả đều có nguy cơ bị u nướu phì đại. Nguyên nhân là sau một thời gian dài hoạt động, răng giả bị lỏng lẻo, không còn bám chặt với xương hàm. Do đó, trong khi ăn hoặc nhai, răng làm chấn thương các vùng mô mềm như nướu, niêm mạc môi, má... tạo điều kiện cho khối u phát triển. Do vậy, đối với những người đeo răng giả, nếu có dấu hiệu đau, sưng hoặc loét, cần đến bác sĩ để được khám và có hướng xử lý kịp thời.
Thai phụ cũng dễ bị u nướu
Theo bác sĩ Xuân Hòa, trong thời gian mang thai, người phụ nữ rất dễ mắc các bệnh về răng miệng, trong đó đặc biệt phải kể đến khối u phì đại. Mới đầu, u chỉ bằng hạt đậu xanh, đỏ mọng như quả cà chua, sau đó lớn dần. Thai phụ dễ mắc bệnh răng miệng vì phải tập trung cung cấp dưỡng chất cho thai nhi, dễ dẫn tới sự thiếu hụt một số chất như can xi, vitamin C...
Một số khối u có kích thước nhỏ sẽ tự khỏi sau khi thai phụ sinh em bé trong điều kiện được vệ sinh răng miệng tốt; những trường hợp còn lại đều phải điều trị. Khác với bệnh nhân bình thường, phụ nữ mang thai luôn được các bác sĩ cân nhắc kỹ trước khi quyết định điều trị các bệnh răng miệng. Với bệnh nhân mang thai 4-5 tháng thì dễ can thiệp. Nếu mang thai từ 7 tháng trở lên, tùy tình trạng bệnh lý, các bác sĩ nha khoa sẽ phối hợp với bác sĩ sản khoa để quyết định xem có điều trị ngay hay không.
Nhưng cho dù điều trị ngay hay sau khi sinh, sự xuất hiện của những khối u cũng gây nhiều phiền toái cho thai phụ như đau đớn, khó ăn uống, sụt cân, đồng thời ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi. Để tránh tình trạng này, bác sĩ Xuân Hòa khuyên phụ nữ trước khi quyết định mang thai cần đi kiểm tra răng miệng, nếu có bệnh phải điều trị trước.
Bác sĩ Xuân Hòa nhấn mạnh, bệnh nhân có những khối u phì đại nếu được phát hiện từ sớm còn dễ dàng cắt bỏ, điều trị. Ngược lại, nếu để cho u nướu phát triển to, tái phát nhiều lần thì sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như chảy máu ồ ạt tự phát, chuyển thành khối u ác tính. Đặc biệt ở người già, những khối u này còn là yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện bệnh ung thư.