Đột quỵ thùy đỉnh có thể dẫn đến mất phương hướng và mất khả năng phối hợp, yếu và dị cảm cũng như các vấn đề về lời nói và trí nhớ.
Những điều cần biết về bệnh đột quỵ thùy đỉnh
Thùy đỉnh là một trong năm thùy của não, nằm ở giữa vỏ não, nằm ngay phía sau thùy trán. Thuỳ đỉnh là một trung tâm xử lý các cảm giác mà bạn có thể cảm nhận được bằng xúc giác như nhiệt độ (nóng và lạnh), áp suất, độ rung và đau.
Giống như tất cả các loại đột quỵ, đột quỵ thùy đỉnh liên quan đến vỡ hoặc tắc nghẽn mạch máu trong não. Kết quả là thiếu lưu lượng máu liên tục đến thùy đỉnh, làm mất đi lượng oxy đầy đủ ở khu vực đó và gây chết tế bào, làm suy yếu nhiều chức năng cảm giác, thị giác hoặc ngôn ngữ, đôi khi có thể gây ra các biến chứng vĩnh viễn.
Các loại đột quỵ Khoảng 87% các ca đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nguyên nhân là do mạch máu bị tắc nghẽn. 13% còn lại là đột quỵ do xuất huyết, do mạch máu bị vỡ dẫn máu vào não. Ngoài ra còn có các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ và xuất huyết:
|
1. Triệu chứng của đột quỵ thuỳ đỉnh
Đối với hầu hết mọi người, bán cầu não trái của thùy đỉnh là trung tâm ngôn ngữ của não, trong khi bán cầu não phải chịu trách nhiệm nhận thức, tính toán và định hướng không gian. Nói rộng hơn, các triệu chứng của đột quỵ thùy đỉnh được xác định theo bán cầu não nào bị ảnh hưởng.
Với đột quỵ thùy đỉnh bên phải, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Yếu nửa người bên trái
- Cảm giác bất thường (dị cảm) ở bên trái cơ thể
- Không có khả năng nhìn ra góc 1/4 phía dưới bên trái của mỗi mắt
- Mất phương hướng không gian, bao gồm các vấn đề về nhận thức chiều sâu và điều hướng trước và sau hoặc lên xuống
- Không có khả năng nhận biết các vật thể ở phía bên trái của không gian
- Không thể nhận ra phần bên trái của cơ thể mình
- Mất khả năng nhận thức (khả năng biết cơ thể bạn đang hướng về đâu trong môi trường xung quanh), gây ra phán đoán sai lầm về chuyển động và thăng bằng
- Không nhận thức được tình trạng suy yếu nửa người bên trái do đột quỵ
- Hành vi bốc đồng, hưng cảm hoặc không phù hợp
Đột quỵ thuỳ đỉnh bên phải có thể khiến người bệnh mất khả năng nhận thức, gây ra phán đoán sai lầm về chuyển động và thăng bằng (Ảnh: ST)
Với đột quỵ thùy đỉnh bên trái, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Yếu nửa người bên phải
- Dị cảm ở bên phải cơ thể
- Không có khả năng nhìn ra góc 1/4 phía dưới bên phải của mỗi mắt
- Mất ngôn ngữ
- Mất khả năng thực hiện các bài toán đơn giản.
- Suy giảm khả năng đọc, viết và tìm hiểu thông tin mới
- Không biết đột quỵ đã xảy ra với mình
- Gặp khó khăn, thậm chí không thể nhận biết và xác định đồ vật, con người hoặc âm thanh bằng các giác quan của mình. Tình trạng có thể diễn ra ngay cả khi các giác quan của bệnh nhân vẫn đang hoạt động bình thường.
Đột quỵ thuỳ đỉnh bên trái sẽ làm mất khả năng ngôn ngữ, đọc hiểu của người bệnh (Ảnh: ST)
Cả đột quỵ thùy đỉnh bên phải và bên trái cũng có thể dẫn đến:
- Trầm cảm
- Vấn đề về trí nhớ
- Mệt mỏi mãn tính
- Một chứng rối loạn cảm giác khiến bạn không thể xác định được đồ vật bằng cách chạm vào. Nó thường xảy ra nếu phần sau của thùy đỉnh bị tổn thương.
Ngoài các triệu chứng trên, đột quỵ thuỳ đỉnh cũng có thể gây ra một số triệu chứng khác nhưng hiếm gặp như sụp mặt hoặc liệt tay hoặc chân, hội chứng Gerstmann (không có khả năng: viết, làm toán, xác định ngón tay hay phân biệt bên trái hoặc bên phải), mất khả năng vận động - tức là không có khả năng thực hiện các chuyển động theo lệnh.
Cách giúp nhận biết ai đó đang bị đột quỵ
BEFAST là cụm từ thường được viết tắt để mô tả các triệu chứng của cơn đột quỵ tới một người, cụ thể:
Sự thăng bằng (Balance): Đột ngột bị mất thăng bằng một bên
- Mắt (Eyes): Tầm nhìn, thị lực đột ngột bị thay đổi
- Mặt (Face): Méo một bên mặt hoặc mặt xệ xuống
- Cánh tay (Arm): Cánh tay bị yếu, liệt, mất cảm giác ở một bên
- Lời nói (Speech): Nói lắp, rối loạn ngôn ngữ trong nói và hiểu
- Thời gian (Time): Thời gian vàng để nhanh chóng gọi cấp cứu
2. Nguyên nhân gây đột quỵ thuỳ đỉnh
Đột quỵ là do nguồn cung cấp máu đến một phần của não bị gián đoạn. Nó có thể là do vỡ mạch máu (đột quỵ xuất huyết) hoặc động mạch bị tắc (đột quỵ do thiếu máu cục bộ). Việc thiếu máu đột ngột khiến não bị mất oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng, khiến các mô chết trong vòng vài phút.
Đột quỵ thùy đỉnh xảy ra khi một hoặc nhiều mạch máu cung cấp máu cho thùy đỉnh bị chảy máu hoặc bị tắc nghẽn. Thùy đỉnh nhận máu từ ba nguồn: động mạch não giữa, động mạch não trước và động mạch não sau.
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ thùy đỉnh không khác biệt so với các loại đột quỵ khác. Chúng bao gồm:
Huyết áp cao
- Béo phì
- Cholesterol cao
- Bệnh tiểu đường
- Hút thuốc l
- Không tập thể dục thường xuyên
- Uống rượu
- Tiêu thụ thịt đỏ đã qua chế biến
- Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) trước đây
- Tiền sử gia đình bị đột quỵ
Đột quỵ thùy đỉnh xảy ra khi một hoặc nhiều mạch máu cung cấp máu cho thùy đỉnh bị chảy máu hoặc bị tắc nghẽn (Ảnh: ST)
3. Biến chứng của đột quỵ thuỳ đỉnh
Tác động của đột quỵ thùy đỉnh thường có thể nghiêm trọng ở người cao tuổi, những người đang có các vấn đề về nhận thức, cảm giác và vận động.
Một biến chứng thường gặp ở những người lớn tuổi bị đột quỵ thùy đỉnh là mê sảng, một sự thay đổi đột ngột trong não gây ra suy nghĩ bối rối và giảm nhận thức về môi trường xung quanh.
Theo một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Stroke, những người bị đột quỵ thùy đỉnh có nguy cơ bị mê sảng cao hơn gấp đôi so với những người mắc các loại đột quỵ khác.
Khi đột quỵ thùy đỉnh xảy ra ở bán cầu não phải, việc mất nhận thức về phía bên trái có thể góp phần làm mất khả năng suy nghĩ có tổ chức. Nếu không có phương pháp để kiểm soát cảm giác này, một người có thể ngày càng trở nên bối rối, thiếu tập trung và rời rạc trong suy nghĩ.
4. Điều trị và phục hồi sau đột quỵ thuỳ đỉnh
Điều trị đột quỵ thuỳ đỉnh được chia thành điều trị ban đầu và điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Điều trị ban đầu cho đột quỵ thuỳ đỉnh với mục đích là cứu sống người bệnh và hạn chế mọi tổn thương não do đột quỵ gây ra. Điều này có thể bao gồm:
- Dùng chất làm loãng máu gọi là chất kích hoạt plasminogen mô (TPA) để cải thiện lưu lượng máu đến não. Một chất làm loãng máu khác gọi là heparin có thể được sử dụng trong trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ nếu xuất huyết não chắc chắn đã được loại trừ.
- Huyết áp, đường huyết, chất lỏng và chất điện giải cũng sẽ được kiểm soát để não có cơ hội phục hồi tốt nhất.
- Phẫu thuật để giảm áp lực và giảm nguy cơ tổn thương não.
Sau đột quỵ, hầu hết mọi người sẽ trải qua vật lý trị liệu, bao gồm liệu pháp thể chất và ngôn ngữ để giúp phục hồi chức năng và học các chiến lược thích ứng để thực hiện các công việc hàng ngày.
Một số điều đáng lưu ý khi giúp người bệnh đột quỵ thuỳ đỉnh phục hồi:
Người bị đột quỵ thuỳ đỉnh thường có cảm xúc tiêu cực trầm trọng hơn như tức giận, buồn bã, lo lắng và trầm cảm. Do vậy, người bệnh có thể cần điều trị cả tâm lý.
Người bị đột quỵ thuỳ đỉnh thường ít nhận thức được môi trường xung quanh và không thể tham gia đầy đủ vào quá trình phục hồi chức năng và vật lý trị liệu. Do vậy, cần có sự kết hợp kiên trì từ gia đình và chuyên gia chăm sóc y tế.
Phục hồi sau đột quỵ thuỳ đỉnh cần có sự phối hợp của gia đình và chuyên gia chăm sóc sức khoẻ (Ảnh: ST)
5. Có thể phòng ngừa đột quỵ thuỳ đỉnh hay không?
Cũng như các loại đột quỵ khác, không có biện pháp nào có thể phòng ngừa đột quỵ hoàn toàn nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống:
- Bỏ hút thuốc nếu bạn đang nghiện thuốc lá
- Không uống rượu
- Tập thể dục thường xuyên bằng các bài tập như chạy bộ, bơi lội, đạp xe,...
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt ưu tiên những thực phẩm như trái cây, rau củ, cá, các loại hạt, trứng,...
- Kiểm soát các tình trạng sức khỏe như: Béo phì, tiểu đường, huyết áp cao,...
Tóm lại, mọi người nên chú ý đến các dấu hiệu của đột quỵ để giảm thiểu các biến chứng do đột quỵ gây ra. Bạn nên nói chuyện thêm với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.