Ranh giới giữa sự sống và cái chết theo góc nhìn khoa học

Về mặt khoa học một người như thế nào được gọi là chết? Chúng ta có linh hồn hay không?

Như thế nào thì gọi là chết?

Cái chết xảy ra khi một số bộ phận trong cơ thể không còn hoạt động: đó là hệ tim mạch, hai lá phổi và bộ não. Từ góc độ y học, có các tình trạng chết khác nhau.

"Chết lâm sàng" là khi hệ tim mạch và hệ hô hấp ngừng hoạt động, các bộ phận trong cơ thể không còn được cung cấp ô xi và dưỡng chất nữa. Tuy nhiên, người chết lâm sàng có thể được áp dụng biện pháp hồi sức tim phổi (CPR) và thường có kết quả tích cực.

Còn trong trường hợp "chết não", tiểu não, đại não và hành não đều ngừng hoạt động nhưng một số tế bào não vẫn hoạt động ở những lớp sâu bên trong. Tuy vậy, người đó đã hoàn toàn mất nhận thức.

Mặc dù não "chết", nhưng cơ thể người bị chết não vẫn có thể được duy trì cho sống nhân tạo trong một thời gian dài.

Chẳng hạn như bà mẹ mang thai bị chết não vẫn có thể sống cho đến khi đứa bé được sinh ra. Một số bệnh nhân chết não vẫn có phản ứng đối với tác động từ bên ngoài, ví dụ như trong các cuộc phẫu thuật. Nhưng dưới góc độ y học, đây chỉ là những phản xạ của dây thần kinh chứ không phải cảm giác thấy đau.

Ở một số nước, định nghĩa về chết não vẫn còn nhiều tranh cãi.

Chết là tình trạng không thể ngăn chặn

Cơ thể con người cấu tạo từ hàng tỉ tỉ tế bào. Các tế bào phân chia liên tục để đảm bảo cho sự phát triển. Các tế bào cũ được thay bằng tế bào mới giống hệt. Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, sự phân chia tế bào như vậy bị chậm lại và rồi ngừng hẳn.

Rất có thể sự phân chia tế bào nhanh, chậm hay chấm dứt phụ thuộc vào các đầu mút của nhiễm sắc thể. Nếu việc phân chia tế bào làm cho các đầu mút này, vốn được coi là người bảo vệ của nhiễm sắc thể, bị ngắn lại thì dần dà không tế bào nào được phân chia nữa.

Khi đó sẽ không có các tế bào mới, trong khi tế bào cũ thì chết đi. Và như vậy, một cơ thể sống sẽ chết.

Về mặt sinh học, cơ thể con người sống tối đa được 150 năm. Đó là kết luận của một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications vào năm 2021. Trên thực tế, người sống được lâu nhất là 122 năm. Đó là bà Jeanne Calment, người Pháp. Bà mất năm 1997.


Trong ảnh, bà Jeanne Calment đang vui vẻ hút thuốc và uống rượu vang vào sinh nhật thứ 117. Bà mất năm 1997 ở tuổi 122 và vẫn giữ kỷ lục là người sống thọ nhất (Ảnh: Jean-Piere Fizet/ Getty Images).

Trong quá trình chuyển từ sống sang chết, điều gì xảy ra với cơ thể?

Ban đầu, các bộ phận trong cơ thể vẫn tiếp tục sống được trong tình trạng thiếu ô xi và các dưỡng chất. Nhưng dần dần, khi sự phân chia tế bào ngừng hẳn thì các tế bào chết đi. Nếu có quá nhiều tế bào chết đi thì các bộ phận không hoạt động nữa.

Phản ứng sớm nhất xảy ra là ở não, các tế bào não chết sau từ 3 đến 5 phút. Tim vẫn có thể còn đập đến nửa giờ cho đến 1 giờ sau. Ngay khi máu ngừng tuần hoàn, máu đông lại và tạo thành các "điểm chết". Các điểm này là dấu hiệu để các bác sĩ pháp y xác định nguyên nhân và thời điểm của cái chết.

Sau 2 giờ đồng hồ, cơ thể cứng lại do không sản xuất adenosine triphosphate (ATP). ATP là nguồn năng lượng thiết yếu cho tế bào, không có ATP, các cơ bắp sẽ cứng lại. Sau vài ngày, tình trạng co cứng giảm bớt. Và đến lúc này thì ống tiêu hóa mới chết, các vi khuẩn trong ống tiêu hóa bắt đầu làm phân hủy, thối rữa cơ thể.

Tuy nhiên, các mầm bệnh trong cơ thể vẫn còn có thể gây hại trong một thời gian dài. Ví dụ như mầm bệnh viêm gan vẫn sống trong vài ngày, vi khuẩn lao vẫn tồn tại trong nhiều năm. Toàn bộ quá trình phân hủy cơ thể sau khi chết phải mất đến 30 năm.

Cập nhật: 19/11/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video