Sán lá gan và giun xoắn xuất hiện ở phía Nam

Các nhà khoa học vừa phát hiện dấu hiệu cho thấy cá nuôi ở khu vực phía Nam có thể nhiễm sán lá gan, thay vì chỉ thấy có ở khu vực phía Bắc như lâu nay vẫn nghĩ, và lươn ở một số nơi cũng của khu vực này nhiễm giun xoắn.

Trong khuôn khổ Dự án Ký sinh trùng có nguồn gốc từ thủy sản (FIBOZOPA), Viện Nghiên cứu thủy sản II ở TP.HCM tiến hành phân tích 600 mẫu cá tra da trơn lấy từ các bè nuôi của các hộ dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủy sản nuôi ở phía Nam cũng đã phát hiện có sán lá gan (ảnh: TTO)

Trong khi chỉ phát hiện 2% số mẫu có sán đường ruột, các nhà khoa học lại ngạc nhiên khi thấy có sán lá gan trong cá tra da trơn (loại đầu rắn) thu thập từ một chợ trong vùng.

“Nếu được khẳng định, đây sẽ là dấu hiệu mới và quan trọng cho thấy sán lá gan đã hiện diện trên cá ở khu vực phía Nam nước ta”, một nhà khoa học ở FIBOZOPA nói.

Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM còn phát hiện một loài ký sinh trùng nguy hiểm (giun xoắn) trong lươn, loài thủy sản rất được ưa chuộng tại các quán nhậu ở TP.HCM. Loại giun này được biết gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo cho người khi chúng dễ dàng di chuyển dưới da cũng như trong hệ thống tiêu hóa của bệnh nhân.

Sau đợt khảo sát 600 mẫu từ tháng 10-2005, các nhà khoa học tiếp tục theo dõi kỹ các mẫu thu thập trong mùa mưa năm 2006 và kết quả sẽ được công bố trong nay mai.

Cá nước mặn, nước lợ cũng có thể gây bệnh cho người

Không chỉ cá nước ngọt mà cả cá nước mặn, nước lợ ở VN cũng mang ký sinh trùng gây bệnh cho người, đánh giá ban đầu của FIBOZOPA cho biết.

Lúc bắt đầu Dự án FIBOZOPA, các nhà khoa học biết, rất ít thông tin về sự hiện diện của ký sinh trùng gây bệnh cho người có nguồn gốc từ thủy sản (FZP) trên các loài cá sống trong môi trường nước lợ và nước biển. Nhìn chung người ta mới chỉ biết FZP thường có mặt trên các loài cá nước ngọt.

Tuy nhiên, sau khi phân tích 150 mẫu cá nước lợ và mặn ở các vùng biển Việt Nam ở tỉnh Khánh Hòa, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu thủy sản III thấy những siêu ấu trùng thuộc nhóm FZP có trong cá mú và cá đối.

Từ phát hiện ban đầu này, lần đầu tiên FZP được tìm thấy trên cá không phải sống trong môi trường nước ngọt, các nhà khoa học nhận định đã đến lúc phải nghiên cứu trên quy mô lớn vấn đề an toàn thực phẩm vì nhóm cá nước mặn và nước lợ cũng đang được tiêu thụ ngày càng nhiều ở nước ta. Được biết, trong khuôn khổ FIBOZOPA, các dự án nghiên cứu đang được khẩn trương xúc tiến.

 

Theo Tiền Phong, Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video