Nghệ thuật, bao gồm âm nhạc vẫn luôn là một khía cạnh quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Âm nhạc có thể giúp cảm xúc của con người thăng hoa, vui buồn theo điệu nhạc và lời hát. Có những nhạc phẩm đã tác động vô cùng sâu sắc đến tâm lý người nghe như Gloomy Sunday của nghệ sĩ dương cầm người Hungary, Reszõ Seress. Thế nhưng đáng tiếc, ảnh hưởng của nó lại là tiêu cực vì đã khiến biết bao người tự vẫn vì quá buồn.
Bản nhạc "trúng lời nguyền"
Gloomy Sunday được sáng tác vào năm 1933 và phát hành năm 1935. Ca sĩ đầu tiên thu âm bài hát này là Pál Kalmár. Sau khi ra mắt, ca khúc đã ngay lập tức trở nên nổi tiếng không chỉ tại Hungary mà còn ở phạm vi toàn cầu. Không ít danh ca đã tiến hành thu âm bài hit này, trong đó nổi tiếng nhất là bản của Billie Holiday.
Thế nhưng có lẽ chính nhạc sĩ Reszõ Seress cũng không ngờ rằng việc bài hát của mình thành công về mặt doanh thu lại là một bi kịch khổng lồ. Vì có giai điệu bi ai, kèm theo lời bài hát u buồn, nó trở thành bài "thánh ca" với những người đang mang cảm xúc tiêu cực.
Chân dung cha đẻ của nhạc phẩm - Reszõ Seress
Tác giả đã sáng tác ca khúc này vào một buổi chiều Chủ nhật u buồn như chính tên bài hát, sau khi ông vừa chia tay một mối tình khắc cốt ghi tâm. Từ một bài nhạc thất tình, câu từ bi quan của Gloomy Sunday chạm vào trái tim của bất kỳ ai đang đau khổ, tuyệt vọng. Lúc bấy giờ, tại Hungary còn đang diễn ra cuộc Đại suy thoái nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Số lượng những người thấy đồng cảm, an ủi với nhạc phẩm càng lớn hơn nữa.
Cứ thế, Gloomy Sunday dần xuất hiện dày đặc trong những câu chuyện của những người lựa chọn tự kết liễu đời mình: Một người thợ giày đã trích dẫn lời bài hát trong bức thư tuyệt mệnh của mình, một cô gái ở Vienna (Áo) nhảy sông tự vẫn khi cầm trên tay tờ giấy ghi bản nhạc, một người đàn ông đã tự bắn vào đầu mình sau khi nói với người thân rằng mình cứ bị ám ảnh bởi lời bài hát, một người phụ nữ ở London (Anh) đã bị sốc thuốc khi đang bật nghe Gloomy Sunday... Đã có hàng chục người vì tác động tiêu cực của ca khúc này mà tự vẫn.
Trước ảnh hưởng đáng sợ của bài hit, chính quyền Hungary và một số nước khác đã phải đưa ra cảnh báo cho người dân và hạn chế việc tuyên truyền nhạc phẩm. Tại Anh và Mỹ, ca khúc này thậm chí còn bị cấm tuyệt đối.
Nhạc sĩ Seress đã chia sẻ như sau về tác phẩm nổi tiếng nhất đời mình: "Tôi đứng giữa thành công chết chóc này với tư cách là một người đàn ông bị buộc tội. Sự nổi tiếng này làm tôi đau đớn. Tôi đã khóc với tất cả những thất vọng của trái tim và dường như nhiều người cũng đã tìm thấy sự tổn thương của chính mình trong ca khúc này".
Năm 1968, Reszõ Seress đã nhảy lầu tự vẫn. Người ta cho rằng vì luôn dằn vặt do đã tạo nên "bản nhạc tự tử", gián tiếp cướp đi bao sinh mạng xa lạ mà ông cũng đi đến lựa chọn này.
Bản thu của Billie Holiday - nữ ca sĩ người Mỹ khiến bài hát nổi tiếng toàn cầu
Có thật sự "chỉ là một bài hát thôi mà"?
Dẫu bị truyền thông gán cho biết bao cái tên như "bài hát trúng lời nguyền", "lời nguyền kỳ lạ" nhưng thực chất, ai cũng hiểu Gloomy Sunday không có lời nguyền hay mang bí ẩn khó hiểu nào cả. Bài hát đã khiến cho người nghe đau buồn, khổ sở và thậm chí muốn chết đơn giản do âm nhạc có sức mạnh tác động rất lớn tới tâm lý con người.
Không có một ai đang vui vẻ, hạnh phúc tự vẫn vì nghe Gloomy Sunday. Tất cả những người bị bài hát "giết chết" đều đang trong trạng thái tâm lý bất ổn định và chất chứa nhiều suy nghĩ u buồn, tiêu cực. Việc nghe một bài hát như đang nói lên hộ nỗi lòng của mình, chứa câu từ bi quan, thôi thúc buông bỏ đã đẩy họ vào hành động tiêu cực thực sự.
Gloomy Sunday hay mọi ca khúc buồn không bao giờ là nguyên nhân trực tiếp khiến những người đang trầm cảm tự vẫn, nhưng vẫn có thể là tác nhân gián tiếp "thôi thúc" người ta chìm đắm sâu vào trong nỗi buồn, mảng tối của mình.
Năng lượng tiêu cực từ sản phẩm văn hóa, nghệ thuật cũng tạo ra tác hại nguy hiểm như Gloomy Sunday
1 thế kỷ trôi qua, Gloomy Sunday đã không còn bị cấm lưu hành và không có câu chuyện đáng tiếc nào xoay quanh nó nữa. Thế nhưng nhạc phẩm kinh điển, nổi tiếng theo cái cách không mong muốn nhất này sẽ mãi là ví dụ cho thấy tầm ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa lên tâm lý con người. Đó là điều không bao giờ nên bị xem nhẹ.