Sử dụng thiết bị laser tại miệng hố Gale trên sao Hỏa, robot tự hành Curiosity đã phát hiện ra những hòn đá có chứa oxit mangan, loại hợp chất đòi hỏi phải có oxy mới hình thành được. Từ đó, các nhà nghiên cứu thuộc dự án Curiosity nhận định rằng có thể sao Hỏa từng sở hữu một cầu khí quyển giàu oxy giống như Trái Đất của chúng ta.
Rất lâu trong quá khứ, sao Hỏa cũng có cả nước lẫn từ trường bảo vệ giống như Trái Đất bây giờ.
Trên Trái Đất, các loại khoáng chất là dấu chỉ của giai đoạn mà bầu khí quyển trở nên giàu oxy, phần lớn là do vi khuẩn. Nhà nghiên cứu Nina Lanza tại Los Alamos cho biết: "Bây giờ chúng ta đã thấy có oxit mangan trên sao Hỏa và chúng ta đang tự hỏi làm thế nào mà chúng có thể hình thành". Thực ra các nhà khoa học không tìm thấy bằng chứng về sự sống trong quá khứ trên sao Hỏa nhưng họ có một giả thuyết khác.
Theo đó thì rất lâu trong quá khứ, sao Hỏa cũng có cả nước lẫn từ trường bảo vệ giống như Trái Đất bây giờ. Tuy nhiên một khi từ trường bảo vệ biến mất, bức xạ sẽ ion hóa nước, tách chúng thành hydro và oxy. Khi đó sẽ càng có nhiều đá đỏ chứa oxit sắt hấp thụ oxy, tuy nhiên oxit manga thì đòi hỏi nhiều oxy hơn để hình thành. Chính vì điều này nên các nhà khoa học tin rằng ở giai đoạn đầu trong lịch sử, sao Hỏa có nhiều oxy hơn chúng ta tưởng.
Mặc dù dữ liệu trên không cung cấp bằng chứng cho dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa như nhiều người nghĩ, nhưng "nó rất quan trọng trong việc giúp chúng ta bắt đầu hiểu hơn về lịch sử của sao Hỏa và quá trình oxy hóa trong bầu khí quyển trên đó" giáo sư Lanza cho hay. Mặc dù sẽ rất khó khăn nhưng các nhà nghiên cứu sẽ phải tiếp tục truy tìm bằng chứng nhằm củng cố cho giả thuyết này nhằm dẫn tới mục tiêu tối thượng là giúp con người tăng cường hiểu biết về sao Hỏa, từ đó biến giấc mơ định cư sao Hỏa trở nên gần với thực tế hơn.