Sarin - Sát thủ giết người chỉ trong vài phút

Chất độc thần kinh Sarin là loại chất hóa học không màu, không mùi, không vị, có thể giết chết con người hoặc để lại những di chứng sức khỏe tồi tệ chỉ với một lượng rất nhỏ.

Cái tên sarin bắt nguồn từ các chữ cái đầu trong tên của các nhà hóa học đã tình cờ khám phá ra nó: Schrader, Ambros, Ruediger et Van der Linde. Các nhà khoa học này đã cố gắng tạo ra loại thuốc trừ sâu mạnh hơn nhưng công thức chế tạo sau đó bị quân đội Đức Quốc xã thâu tóm để sản xuất vũ khí hóa học, và được các nhà khoa học Đức quốc xã phát triển vào năm 1938.

Khi một người hít phải hoặc hấp thu sarin qua da, chất độc này sẽ làm tê liệt trung tâm hô hấp của hệ thần kinh trung ương và khiến các cơ quanh phổi ngừng hoạt động.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sarin có khả năng gây chết người mạnh gấp 26 lần so với xyanua. Chỉ một giọt sarin nhỏ bằng kim châm cũng có thể giết chết một người.

Các triệu chứng khi một người tiếp xúc với sarin là đau đầu, buồn nôn, mờ mắt, chảy nước dãi, co giật, ngừng hô hấp và bất tỉnh. Việc hít phải một liều cao khoảng 200 miligram sarin có thể gây chết người “chỉ trong vài phút”, thậm chí không có thời gian để xuất hiện triệu chứng, theo Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học.


Chính quyền Syria bị cáo buộc sử dụng sarin để sát hại hàng nghìn dân thường hôm 21/8. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, sarin mất nhiều thời gian để hấp thu qua da hơn và trong vòng nửa giờ đầu sẽ không gây ra triệu chứng nào. Quá trình phát bệnh sau đó diễn ra nhanh chóng. Thậm chí cả khi không gây chết người, sarin cũng gây ra những ảnh hưởng về lâu dài như phá hủy phổi, mắt và hệ thần kinh trung ương của nạn nhân.

Nặng hơn không khí, chất độc này có thể tồn tại ở một khu vực đến 6 tiếng, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Nhìn chung, các chất độc thần kinh loại này tác động nhanh và dễ sản xuất với công nghệ hóa học đơn giản, ít tốn kém và các nguyên liệu sẵn có. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh dịch Mỹ (CDC), sarin có thể nhiễm vào thức ăn hoặc nguồn nước. Trung tâm này cũng nhấn mạnh rằng đã có thuốc giải độc sarin.

Vụ tấn công bằng sarin khét tiếng nhất xảy ra vào tháng 3/1988, với 5.000 người Kurd bị thiệt mạng và 65.000 người bị thương, khi quân đội Iraq sử dụng nhiều chất hóa học bao gồm sarin, khí mù tạt và có thể cả VX, một chất độc thần kinh mạnh hơn sarin 10 lần, để tấn công. Đây cũng được xem là vụ tấn công bằng khí độc tồi tệ nhất vào dân thường.

Sarin cũng từng giết chết 13 người và làm bị thương 6.000 người khi giáo phái Aum Shinrikyo tấn công tàu điện ngầm Tokyo vào tháng 3/1995. Giáo phái này cũng dùng chất độc thần kinh sarin trong vụ tấn công vào một năm trước đó ở thành phố Matsumoto, giết 7 người.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố những mẫu tóc và máu thu thập được từ hiện trường vụ tấn công ở đông Damascus hôm 21/8 cho thấy những dấu hiệu của sarin. Washington hoàn toàn tin rằng chính quyền Syria là những người đã tiến hành vụ tấn công bằng chất độc hóa học khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, trong đó có hàng trăm trẻ em.

Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc điều tra về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Syria đã rời nước này hôm 31/8. Việc phân tích các mẫu vật có thể kéo dài đến ba tuần.

Chính quyền Syria được cho là đang kiểm soát hàng trăm tấn chất độc hóa học khác nhau. Bên cạnh những chất độc làm rộp da như khí mù tạt, Damascus được cho là cũng sở hữu sarin và có thể cả VX.

Chính quyền Syria cũng có các phương tiện để tấn công bằng chất hóa học như tên lửa Scud, pháo và bom trên không, theo các nhà phân tích quốc phòng.

Cập nhật: 09/04/2018 Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video