Sét đỏ và xanh cực hiếm trên bầu trời Hawaii

Những vệt sét màu đỏ và xanh dừng như giao nhau bên trên tầng sét trắng giữa bầu trời Hawaii trong cơn giông bão hồi tháng 7/2017.

Camera trên kính viễn vọng Gemini North ở Đài quan sát Gemini tại núi lửa Mauna Kea ghi lại khoảnh khắc hội tụ của những tia sét rực rỡ. Phòng thí nghiệm nghiên cứu thiên văn quang học - hồng ngoại quốc gia (NOIRLab) chia sẻ bức ảnh hôm 24/2. Theo NOIRLab, tia sét trong ảnh xuất hiện đặc biệt tới mức trông như kỹ xảo điện ảnh.


Sét đỏ và xanh xuất hiện cùng lúc trong cơn giông bão. (Ảnh: NOIRLab).

Hiện tượng trên thường được gọi là sét đỏ và sét xanh. Chúng vô cùng khó chụp bằng máy ảnh. Những tia sét chỉ kéo dài 0,1 giây và hiếm khi quan sát được từ mặt đất do bị đám mây giông che khuất. Theo Peter Michaud, quản lý giáo dục ở NOIRLab, các nhà thiên văn học sử dụng camera của kính viễn vọng để theo dõi thời tiết xấu gần đài quan sát. Cứ cách 30 giây, hệ thống camera lại chụp ảnh bầu trời. "Chúng tôi đã gặp vài trường hợp tương tự, nhưng đây là ví dụ tuyệt vời nhất về sét ở tầng thượng quyển", Michaud nói.

Sét trắng thông thường khác với sét đỏ và xanh ở vài đặc điểm. Trong khi sét thường sinh ra giữa không khí mang điện tích, đám mây giông và mặt đất trong cơn bão, sét đỏ và xanh bắt đầu ở những nơi khác nhau trên bầu trời, và hướng vào không gian.

Sét đỏ là những luồng điện tích phóng cực nhanh qua tầng thượng quyển, vươn cao 60 - 80 km trên bầu trời. Một số vệt sét có hình con sứa trong khi nhiều trường hợp như trong bức ảnh của Đài quan sát Gemini là cột sét thẳng đứng với nhiều tua chĩa ra, gọi là sét cà rốt.

Sét xanh hình thành ở gần Trái đất hơn sét đỏ. Những luồng điện tích hình nón này cũng sáng hơn sét đỏ và chúng phóng từ đỉnh những đám mây lên cao. Đỉnh đám mây giông có thể ở cách mặt đất từ 1,6 đến 22,5km. Sét xanh tiếp tục vươn lên cho tới khi đạt độ cao khoảng 48 km, tại điểm đó chúng biến mất. Sét xanh di chuyển ở tốc độ hơn 35.888 km/h. Bão càng mạnh và càng sản sinh nhiều sét, khả năng sét đỏ và xanh xuất hiện càng cao.

Cập nhật: 01/03/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video