Siêu lục địa mới sẽ hình thành sau hàng trăm triệu năm nữa

Siêu lục địa khổng lồ có thể tái xuất hiện trong vòng 200 triệu năm, làm thay đổi đáng kể khí hậu Trái đất.

Các nhà khoa học lập mô hình Trái đất trong tương lai xa với sự hình thành của một siêu lục địa và trình bày phát hiện tại cuộc họp thường niên hôm 8/12 của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ (AGU). Họ khám phá hai tình huống. Trường hợp đầu tiên là sau khoảng 200 triệu năm nữa, gần như tất cả lục địa tập trung ở Bắc bán cầu, chỉ còn lại Nam Cực ở Nam bán cầu. Trong trường hợp thứ hai, sau 250 triệu năm, siêu lục địa hình thành quanh xích đạo, trải dài tới Bắc bán cầu và Nam bán cầu.


Pangea là siêu lục địa gần đây nhất trong lịch sử Trái đất. (Ảnh: Imagico).

Trong cả hai trường hợp, nhóm nghiên cứu tính toán ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu dựa trên địa thế của siêu lục địa. Họ rất bất ngờ khi nhận thấy khi các lục địa dồn lại ở phương bắc và địa hình chủ yếu là đồi núi, nhiệt độ toàn cầu lạnh hơn đáng kể so với những mô hình khác. Kết quả có thể thúc đẩy thời kỳ lạnh sâu chưa từng có trong lịch sử Trái đất, kéo dài ít nhất 100 triệu năm.

Các lục địa trên Trái đất không phải luôn giữ nguyên hình dáng như ngày nay. Trong 3 triệu năm qua, hành tinh đã trải qua nhiều thời kỳ trong đó những lục địa lúc đầu co cụm tạo thành siêu lục địa rộng lớn, sau đó lại tách ra, theo trưởng nhóm nghiên cứu Michael Way, nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA tại New York. Siêu lục địa gần đây nhất là Pangea, tồn tại cách đây 200 - 300 triệu năm, bao gồm châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Trước Pangaea là siêu lục địa Rodinia, xuất hiện 700 - 900 triệu năm trước. Trước đó, siêu lục địa Nuna hình thành cách đây 1,6 tỷ năm và vỡ ra 1,4 triệu năm trước.

Trong nghiên cứu mới, Way và đồng nghiệp xem xét các dải đất Aurica và Amasia cùng nhiều dạng địa thế khác nhau như đồi núi, đồng bằng gần biển, hoặc bằng phẳng nhưng có một số ngọn núi, và đưa vào mô hình mang tên ROCKE-3D. Ngoài mảng kiến tạo, họ còn sử dụng nhiều thông số khác để tính toán hình dáng Trái đất trong tương lai, dựa trên quá trình Trái đất thay đổi theo thời gian.

Kết quả gây bất ngờ nhất trong mô hình là nhiệt độ toàn cầu lạnh hơn gần 4 độ C khi tồn tại siêu lục địa Amasia gồ ghề ở Bắc bán cầu. Đó là do băng và tuyết ở siêu lục địa này nằm ở độ cao lớn, che phủ vĩnh viễn mặt đất trong những tháng mùa hè và mùa đông, khiến nhiệt độ bề mặt hành tinh thấp hơn hai độ so với mọi trường hợp khác. Nếu Amasia có ít đồi núi hơn, các hồ và biển nội hải có thể hình thành, giúp vận chuyển nhiệt từ xích đạo lên phương bắc, làm băng tuyết tan chảy theo mùa. Sự hình thành của siêu lục địa Amasia có thể kéo theo kỷ Băng hà kéo dài lâu hơn, khoảng 100 - 150 triệu năm. Những vùng đất thấp nhiệt đới sẽ biến mất kèm theo sự đa dạng sinh thái. Tuy nhiên, các loài mới có thể xuất hiện và thích nghi để sinh tồn trong môi trường lạnh cực hạn.

Cập nhật: 16/12/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video