Dựa vào dữ liệu vệ tinh, các chuyên gia phát hiện đường nứt mở rộng nhanh nhất lịch sử tại thềm băng của sông băng Đảo Pine.
Các nhà khoa học tại Đại học Washington tìm thấy bằng chứng về đường nứt sông băng nhanh nhất từng ghi nhận, IFL Science hôm 1/3 đưa tin. Đường nứt dài 10,5km chạy qua một thềm băng ở châu Nam Cực với tốc độ lên tới 35m mỗi giây, tương đương khoảng 128,7km/h. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí AGU Advances.
Ảnh vệ tinh ngày 8/5 (trái) và 11/5 (phải) vào năm 2012 cho thấy đường nứt mới tạo thành một nhánh chữ Y ở bên trái của đường nứt cũ. (Ảnh: Olinger/AGU Advances).
Nhóm nghiên cứu quan sát vết nứt nhanh kỷ lục này xuất hiện vào năm 2012 tại thềm băng của sông băng Đảo Pine, sông băng tan chảy nhanh nhất châu Nam Cực, chiếm khoảng 25% lượng băng bị mất ở châu lục này. Họ phát hiện điều này dựa vào dữ liệu từ những thiết bị đặt trên thềm băng và các quan sát radar từ vệ tinh.
"Theo những gì chúng tôi biết, đây là sự kiện mở rộng đường nứt nhanh nhất từng được quan sát", Stephanie Olinger, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Đường nứt (rift) là vết nứt chạy xuyên qua một thềm băng. Chúng thường là dấu hiệu báo trước của hiện tượng tách thềm băng - hiện tượng các khối băng lớn vỡ ra khỏi sông băng và trôi ra biển. Các đường nứt khác ở châu Nam Cực có thể hình thành trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy, quá trình này cũng có thể diễn ra trong khoảnh khắc ngắn, đặc biệt là ở những khu vực dễ tổn thương của châu lục.
"Sự kiện cho thấy, trong một số tình huống nhất định, thềm băng có thể tan vỡ nhanh. Nó cũng chỉ ra rằng chúng ta cần chú ý đến loại hoạt động này trong tương lai, đồng thời cho chúng ta biết cách mô tả những vết nứt như vậy trong các mô hình tấm băng quy mô lớn", Olinger giải thích.
Việc tìm hiểu quá trình sông băng tan vỡ có thể giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đến các tấm băng. Băng của sông băng có vẻ giống như chất rắn nếu xem xét trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, nó hoạt động giống như chất lỏng đang chảy ra.
"Trước khi có thể nâng cao hiệu quả của các mô hình tấm băng quy mô lớn và cải tiến các dự đoán về mực nước biển dâng trong tương lai, chúng ta phải có hiểu biết tốt dựa trên cơ sở vật lý về những quá trình ảnh hưởng đến sự ổn định của thềm băng", Olinger nhận định.