Băng tan ở Tây Tạng và mối nguy đối với Việt Nam

Hiện tượng lạ hàng thập kỷ ở cao nguyên Thanh Tạng, chuyên gia cảnh báo: Tác động tới hàng tỷ người
  •   3,97
  • 9.892

Hàng loạt sông băng trên Cao nguyên Tây Tạng đang tan và thực trạng đó có thể gây nên tác động xấu đối với Việt Nam và nhiều nước châu Á khác.

Sông băng trên cao nguyên Tây Tạng đang tan chảy nhanh quá mức

Cao nguyên Thanh Tạng (tên gọi tắt của cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng) là vùng đất rộng lớn với độ cao trung bình trên 4.500 m so với mực nước biển. Cao nguyên Thanh Tạng được ví như "nóc nhà của thế giới" với vẻ đẹp hùng vĩ quanh năm tuyết phủ kín trên những đỉnh núi làm nao lòng biết bao người từng có cơ hội tới đây. Ngoài ra, cao nguyên Thanh Tạng còn được gọi là "cực thứ 3 của Trái đất" vì trữ lượng nước trong băng ở đây chỉ sau Nam cực và Bắc cực. Nó có kích thước tương đương Tây Âu và cung cấp nước cho gần 2 tỷ người ở châu Á thông qua những sông lớn như Dương Tử, Mekong, Salween, Indus, Brahmaputra và Hoàng Hà.

Do nhiệt độ tăng gấp ít nhất 4 lần so với mọi nơi ở châu Á, có thể Cao nguyên Tây Tạng sẽ sớm mất phần lớn sông băng và băng trong lòng đất, tác động tới nguồn cung cấp nước trên khắp châu Á, các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo.

Băng tan ở Tây Tạng và mối nguy đối với Việt Nam
Một đồng cỏ trên cao nguyên Tây Tạng. (Ảnh: AP).

Do tác động của biến đổi khí hậu, các sông băng và đồng cỏ đang thu hẹp rất nhanh, tình trạng sa mạc hóa lan rộng, lượng mưa trong khu vực trở nên thất thường, mực nước trong các sông lớn giảm và tầng đất đóng băng vĩnh cửu đang tan chảy.

Một số nghiên cứu chứng minh quá trình tan chảy của các sông băng ở Tây Tạng, nguồn tích trữ nước đóng băng lớn nhất bên ngoài hai vùng cực, đã gây nên nhiều hậu quả về môi trường ở địa phương và phạm vi toàn cầu – bao gồm những đợt nắng nóng ở châu Âu.

Sông băng đang tan với tốc độ ngày càng lớn

Giới chức Trung Quốc ước tính khoảng 14,5% nước đóng băng trên địa cầu đang tồn tại ở Tây Tạng. Mặc dù giới nghiên cứu đưa ra những giả thuyết khác nhau về nguyên nhân khiến các sông băng tan, họ đều nhất trí rằng tốc độ biến mất của chúng đang tăng.

Hồi tháng 4, Tân Hoa Xã đưa tin diện tích sông băng biến mất hàng năm là 247km2, và khoảng 7.600km2 sông băng – tương đương 18% tổng diện tích các sông băng ở Tây Tạng – đã tan thành nước từ thập niên 50.

Băng tan ở Tây Tạng và mối nguy đối với Việt Nam
Hàng loạt quốc gia ở châu Á sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do các sông băng trên cao nguyên Tây Tạng co dần. (Ảnh: softpedia.com).

Zhang Mingxing, một quan chức ở Tây Tạng, xác nhận rằng sông băng ở chân núi Everest, nơi có độ cao 5.200m so với mực nước biển, đã biến mất từ lâu.

"Chỉ còn những hòn đá nằm ở nơi từng là sông băng", Tân Hoa Xã dẫn lời ông.

Kết quả một nghiên cứu đối với các sông băng Tây Tạng cho thấy carbon từ những đám cháy rừng, hoạt động đốt ruộng và bếp của người dân tại Ấn Độ khiến sông băng tan. Mặc dù vậy, các nhà khoa học khẳng định hiện tượng tăng nhiệt độ toàn cầu mới là thủ phạm chính.

Người dân Tây Tạng nhận thấy nhiệt độ thay đổi khá mạnh từ thập niên 80 tới nay. Một người Mỹ gốc Tây Tạng tỏ ra sốc trước tác động của thời tiết đối với cách mặc trang phục của người dân khi ông trở về thành phố Lhasa. "Khi tôi sống ở Lhasa trước đây, người dân hiếm khi ra khỏi nhà với áo sơ mi. Nhưng bây giờ họ dạo phố với quần soóc", ông nói.

Vào năm 2010, National Geographic đã đưa tin rằng chiều rộng của một con sông băng ở cao nguyên Thanh Tạng đang giảm đi 300 m mỗi năm. Các con sông băng ở đây đang tan chảy với tốc độ nhanh hơn mọi nơi khác trên thế giới.

Năm 2009, Qin Dahe, một chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về sông băng, cảnh báo rằng các sông băng trên Cao nguyên Tây Tạng đang tan chảy với tốc độ nhanh hơn mọi nơi khác trên thế giới. Ông dự đoán rằng, trong tương lai gần, tình trạng ấy sẽ làm tăng số trận lũ và lở đất.

"Còn trong tương lai xa, những nguồn cung cấp nước ở châu Á sẽ cạn dần", ông nói.

Nhiều nhà nghiên cứu dự đoán phần lớn sông băng trên dãy núi Himalaya sẽ biến mất trong vòng 20 năm nữa.

Những sông băng đang tan là nguồn cung cấp nước của vài dòng sông lớn nhất thế giới chảy qua Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.

"Nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất đối với khu vực. Nó là nhân tố chủ chốt để xóa nghèo, sản xuất điện, phát triển nông nghiệp và nhiều hoạt động khác", R. Rangachari, một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ấn Độ và là cựu bộ trưởng Các nguồn nước Ấn Độ, phát biểu.

Một nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu trên cao nguyên Tây Tạng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc khẳng định mực nước sông Dương Tử và sông Hoàng Hà đã giảm do sự tan chảy của các sông băng.

"Mọi sông lớn ở châu Á đều nhận nước từ Tây Tạng và lượng nước ở cao nguyên đang giảm", ông nói.

Băng tan ở Tây Tạng và mối nguy đối với Việt Nam
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là hai trong số những nguyên nhân khiến các sông băng tan. (Ảnh: China Daily).

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc từng thông báo vào năm 2013 rằng khoảng 28.000 sông nhỏ ở Trung Quốc biến mất đột ngột vào năm 2011. Mặc dù Bắc Kinh không đưa ra những giả thuyết cụ thể, giới nghiên cứu nhận định hiện tượng ấm lên trên Cao nguyên Tây Tạng là một trong những nguyên nhân.

"Một yếu tố quan trọng khác là sự tan chảy của băng ở tầng đất đóng băng vĩnh cửu đã dẫn tới tình trạng cạn kiệt của nước trong lòng đất", một nhà nghiên cứu giấu tên bình luận.

Ngoài ra, hiện tượng sông băng tan chảy ở cao nguyên Thang Tạng còn gây ra tình trạng lũ lụt và nhiều thảm họa đáng sợ khác. Điển hình như vào năm 2016, hai dòng sông băng tan chảy đã gây ra đợt sóng khủng khiếp giết chết 9 người dân và hàng trăm gia súc ở làng Aru thuộc tỉnh Ngari. Vào tháng 10 năm 2016, một khối băng khác đã bị tách khỏi sông băng và phá hủy 1 cây cầu bắc qua sông Yarlung Zangbo.

Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, hơn 80% băng trong lòng đất ở Tây Tạng sẽ biến mất vào năm 2100 và 40% băng sẽ tan trong thời gian tới.

Nguy cơ xung đột tăng vì băng tan

Hàng loạt thay đổi trên Cao nguyên Tây Tạng khiến giới chuyên gia lo ngại xung đột liên quan tới nước có thể nổ ra trong khu vực, đặc biệt là xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Để hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường, Trung Quốc đã xây nhiều đập dọc theo nhiều sông bắt nguồn từ Tây Tạng, bất chấp sự phản đối của nhiều nước ở hạ nguồn sông.

Hiện nay Salween là sông duy nhất ở Tây Tạng chưa bị ngăn dòng bởi những đập của Trung Quốc. Bắc Kinh đã xây một đập trên sông Yarrlung Tsangpo, nguồn cung cấp nước cho sông Brahmaputra tại Ấn Độ.

Cập nhật: 04/09/2024 Theo Zing/Tổ Quốc
  • 3,97
  • 9.892